Xuất khẩu sang Nga dự báo tăng mạnh |
Gần 1 năm sau ngày hiệp định được ký kết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức ký Luật phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EAEU và Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, cùng với Kazakhstan, việc Nga phê chuẩn FTA sẽ có tác động tích cực đến tiến độ phê chuẩn của 3 nước còn lại trong liên minh gồm: Belarus, Armenia, Kyrgyzstan.
Ông Dương Hoàng Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) – nhận định, hiệp định khả năng sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2016. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ sớm có cơ hội tiếp cận với khối thị trường lớn của châu Âu.
Theo ông Dương Hoàng Minh, các mặt hàng như: Dệt may, nông thủy sản, da giày… của Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi xuất khẩu vào 5 nước thuộc liên minh nhờ được miễn, giảm thuế quan. Tuy nhiên, để tranh thủ được những lợi ích đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ hiệp định đối với từng dòng thuế, từng sản phẩm của doanh nghiệp mình xuất khẩu. “Doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ quy tắc xuất xứ, làm sao để hưởng ưu đãi theo quy định của hiệp định. Ví dụ, với thủy sản, FTA này quy định nguyên liệu phải có xuất xứ từ nội khối. Tuy nhiên, với mặt hàng tôm, cá ngừ thì Việt Nam được phép sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu nhưng phải đảm bảo tỷ lệ nội địa trên 40%”- ông Minh nhấn mạnh.
Khi hiệp định có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm biện pháp khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý và phương thức thanh toán song phương bằng nội tệ, đặc biệt là nâng cao trình độ tiếng Nga. |
Liên quan đến ngành hàng thủy sản, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Tô Thị Tường Lan – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho biết, hầu hết doanh nghiệp trong ngành mong muốn hiệp định sớm có hiệu lực bởi điều này không chỉ mang lại lợi ích về thuế quan, mà quan trọng hơn, hiệp định sẽ buộc các nước trong liên minh sử dụng hàng rào kỹ thuật một cách minh bạch, đúng với thông lệ quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn về kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm dịch sản phẩm. Đây mới là điểm then chốt và được doanh nghiệp đón đợi nhất bởi hiện nay, theo luật riêng của Nga, Việt Nam có rất ít các doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào nước này.
Trái ngược với thủy sản, doanh nghiệp ngành thép lại đứng trước nỗi lo thép giá rẻ từ Nga sẽ tràn vào sau khi FTA có hiệu lực. Nguyên nhân do mặt hàng này thuộc diện Việt Nam phải mở cửa cho các nước liên minh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: Không phải tất cả các mặt hàng sắt thép Việt Nam giảm thuế cho Nga đều là những mặt hàng nhạy cảm. Nga yêu cầu 167 dòng thuế, Hiệp hội Thép Việt Nam tính toán chỉ có 25 dòng nhạy cảm, chia làm 4 cấp bậc. Những dòng nhạy cảm nhất chỉ trên dưới 10 dòng thuế. Với những dòng thuế nhạy cảm này, đoàn đàm phán cố gắng đáp ứng tối đa yêu cầu của Hiệp hội Thép về lộ trình giảm thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thép trong nước tái cơ cấu. Hơn nữa, nếu Nga xuất khẩu thép vào Việt Nam sẽ phải vận chuyển thép từ Biển Đen về với chi phí không rẻ.
Theo Báo Công Thương.