Chỉ dấu cho một nền kinh tế tự cường
Bức tranh vĩ mô 7 tháng đầu năm 2019 tiếp tục chiều hướng tốt, được xem như dấu hiệu đáng mừng để Việt Nam trở thành một nền kinh tế tự cường. Thông tin được đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 và 7 tháng năm 2019 diễn ra tuần qua.
Đà tăng trưởng kinh tế tốt
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất trong ba năm gần đây. Cạnh đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá, mức 9,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao 10,7%.
Trên bình diện quốc tế, các tổ chức quốc tế đang có đánh giá tích cực tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá Việt Nam tăng trưởng 6,8%; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng 6,5%; Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra mức tăng 6,6%, trong khi HSBC cho là 6,7%. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục tăng ba bậc về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, mới được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố. Theo đó, Việt Nam tăng ba bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ ba khu vực ASEAN.
Theo đà này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 có thể đạt mức 6,86%, vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 là từ 6,6 – 6,8%, với chỉ số giá tiêu dùng bình quân dự kiến tăng 3,13%, so với kế hoạch khoảng 4%, theo TS. Trần Thị Hồng Minh – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia (NCIF).
Giải ngân đầu tư công còn chậm
Thế nhưng, viễn cảnh một nền kinh tế tự cường cũng đứng trước nhiều thách thức, trước hết là những yếu tố nội tại, mà giải ngân đầu tư công chậm là một ví dụ. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam, dù không hẳn là dựa vào đầu tư công, nhưng nếu tiền ngân sách không được giải ngân hiệu quả, sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng năm 2019 và cả những năm sau.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định giao vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2019 cho các bộ, ngành và địa phương với tổng số vốn là 367.394 tỷ đồng, đạt 85,5% kế hoạch Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 119.000 tỷ đồng, chỉ bằng 32,41% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, mức 33,85%. Hiện tại, đã có 6 bộ, ngành và 13 địa phương có số giải ngân đạt trên 50%, nhưng có tới 35 bộ, ngành và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, trong đó có 15 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt mức thấp, dưới 10%.
ODA chiếm mảng lớn trong bức tranh về giải ngân đầu tư công còn hạn chế. Theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, tổng số đã giao trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2016-2019 là 244.300 tỷ đồng. “Hải Phòng có hai dự án ODA đang thực hiện với số vốn còn thiếu là 1.350 tỷ đồng”, ông Lê Khắc Nam – Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho biết. Hiện tỉnh này vẫn đang chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ bố trí vốn ODA cho các dự án sẽ kết thúc hiệp định trong hai năm 2019-2020 và ban hành Hướng dẫn Luật Đầu tư công sửa đổi để xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Kinh tế tư nhân có thể là động lực tăng trưởng
Diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, việc Chính phủ cải cách mạnh hơn môi trường đầu tư và kinh doanh, cũng như tận dụng những cơ hội hội nhập quốc tế, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), TS. Trần Thị Hồng Minh cho là một trong những yếu tố quyết định đến cục diện nền kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm và cả năm 2019. Như vậy, cơ hội để Việt Nam trở thành một nền kinh tế tự cường vẫn còn, với điều kiện lấy kinh tế tư nhân và doanh nghiệp trong nước làm động lực tăng trưởng.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%. Một điểm đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI là 5,6%. Tỷ trọng của khu vực trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức 29%. Theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu của khu vực FDI đã tới trần, việc tăng lên sẽ đội chi phí lên mức rất cao.
Người đứng đầu CIEM cũng nói rằng, với cơ cấu hiện nay có thể vẫn có tăng trưởng, có thu ngân sách. Nhưng ông chỉ rõ, cách thức tăng trưởng này không bền vững, đồng thời khuyến cáo một cách tiếp cận khác: Người dân hưởng lợi gì từ việc Vĩnh Phúc dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, Bắc Ninh và Thái Nguyên tăng trưởng mạnh nhờ Samsung, Hà Tĩnh có thu ngân sách nhờ Formosa… Ngay cả với cách tiếp cận này, TS. Cung vẫn khẳng định: “Rất cần những thay đổi nền tảng, đặc biệt là tư duy” để kinh tế tư nhân trở thành là “động lực chủ yếu cho tăng trưởng” và chỉ khi nào Việt Nam đạt được điều này, nền kinh tế mới có tăng trưởng bền vững.
Theo doanhnhansaigon.vn
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: