Thực tế cho thấy, điện là nguồn đầu vào quan trọng của tất cả các ngành sản xuất từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ và chiếm một phần chi phí đáng kể trong giá thành sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Do vậy, việc điều chỉnh giá điện, nhất là thời điểm khó khăn như dịch Covid 19, sẽ có tác động không nhỏ đến hoạt động cũng như hiệu quả của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, thì thời gian điều chỉnh giá điện giữa 02 lần tối thiểu là 06 tháng. Trước ngày 25 tháng đầu tiên Quý II, Quý III và Quý IV, trên cơ sở tổng hợp thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện của quý trước liền kề, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm, sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm, tính toán lại giá bán điện bình quân.
Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn hoặc cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát theo quy định.
Với tinh thần, trách nhiệm chung, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực phải vào cuộc với các đơn vị liên quan cùng chung tay gỡ khó cho các ngành sản xuất trong bối cảnh dịch Covid đã, đang và sẽ tác động nặng nề tới các doanh nghiệp. Cụ thể là chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý I và Quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá như giá điện.
Yêu cầu của Bộ trưởng bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Thông báo số 52/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 14/2/2020 nêu kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tác động của tình hình dịch viêm phổi cấp do Virus Corona gây ra, cập nhật kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020. Trong đó có yêu cầu: “Thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trước mắt chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác…”.
Có thể thấy, từ khi bùng phát bệnh dịch Covid -19 đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã triệu tập nhiều cuộc họp, chỉ đạo các đơn vị đánh giá tác động của dịch đối với từng ngành, từng lĩnh vực để xây dựng kịch bản ứng phó, trong đó có nhóm ngành năng lượng nói chung và điện nói riêng.
Theo đó, đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện việc đảm bảo điện an toàn liên tục cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19 trên toàn quốc; tiếp tục triển khai các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình điện nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống điện quốc gia.
Với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của Bộ Công Thương, đặc biệt là những giải pháp hỗ trợ kịp thời, tin rằng, các doanh nghiệp sẽ yên tâm, vượt khó để đạt được mục tiêu đề ra.