Các nghiên cứu KHCN góp phần sử dụng hợp lý tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên |
Có thể nói, trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động KHCN ngành Công Thương đã có những chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của ngành trong những năm qua luôn gắn với thực tiễn sản xuất, đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất trong cơ chế thị trường, đã góp phần sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).
Thực tế cho thấy, những ngành có sự phát triển mạnh mẽ, đạt hiệu quả kinh tế cao, là những ngành rất chú trọng đầu tư cho hoạt động KHCN. Lĩnh vực khai khoáng với số lượng đồ sộ các đề tài, đặc biệt, đã xuất hiện các công trình khoa học đạt tầm cỡ khu vực và thế giới trong một số lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí… Đơn cử, Viện Dầu khí đã nghiên cứu và thiết kế tối ưu ~17.000km, địa chấn 2D phục vụ nghiên cứu cơ bản và tìm kiếm thăm dò dầu khí; xác định dị thường biên độ chứa khí Lô 103- 107, vị trí giếng khoan thăm dò Kỳ Lân; khẳng định sự tồn tại dầu khí tại cấu tạo Cá Tầm và đề xuất vị trí giếng khoan CT-3X; cải tiến và hoàn thiện hệ hóa phẩm bơm ép nâng cao hệ số thu hồi dầu cho các đối tượng lục nguyên mỏ Bạch Hổ… Hay như Viện KHCN Mỏ với nhiệm vụ “Triển khai, áp dụng thí điểm Hệ thống quản lý an toàn, quản lý rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp trong doanh nghiệp khai thác than lộ thiên”…
Trong lĩnh vực cơ khí, các đơn vị đã chú trọng hợp tác, chuyển giao KHCN thông qua liên doanh với nước ngoài để tiếp thu công nghệ sản xuất tiên tiến, đầu tư trang thiết bị hiện đại sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Đã làm chủ được việc thiết kế chế tạo các loại van cung, van phẳng có kích thước lớn, độ phức tạp cao, cung cấp cho các công trình xây dựng nhà máy thủy điện trên cả nước. Đặc biệt, đã hạ thủy thành công giàn khoan tự nâng 120m nước (Tam Đảo 05) với tổng trọng lượng 18.000 tấn, có khả năng khoan tới mỏ dầu khí có độ sâu 9.000m tại Vũng Tàu. Đây là dự án cơ khí chế tạo trọng điểm quốc gia, là giàn khoan lớn nhất từ trước tới nay có khả năng chất tải tới gần 3.000 tấn và hoạt động an toàn trong điều kiện bão trên cấp 12.
KHCN cũng góp phần không nhỏ trong những thành công của lĩnh vực điện, hóa chất. Qua quá trình đầu tư phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang tiếp cận đổi mới công nghệ, thiết bị, nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ mới tiên tiến của nước ngoài để phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển – điều độ – thông tin – viễn thông điện lực trong nước, góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực hệ thống điện, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc gia.
Ở lĩnh vực công nghệ sinh học, đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật di truyền hiện đại kết hợp khai thác có hiệu quả nguồn gen quí để sản xuất các chủng vi sinh vật mới và sử dụng có hiệu quả các chủng vi sinh vật có chất lượng tốt… phục vụ nhu cầu công nghiệp chế biến. Từ đó, từng bước chủ động sản xuất được một số sản phẩm thay thế có chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh với các sản phẩm đang phải nhập ngoại, hình thành nền tảng cho việc xây dựng “chợ” công nghệ sinh học…
Các kết quả nghiên cứu khoa học ngành Công Thương đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, đơn vị và đóng góp tích cực trong công tác hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tỷ trọng các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ứng dụng và phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng cao. |
Theo Báo Công Thương.