Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi
Được coi là động lực cho tăng trưởng kinh tế nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam chưa phát triển bởi thiếu sự quan tâm đúng mức.
Việt Nam chưa có nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển – Ảnh: DUCA |
Chính sách vừa thiếu, vừa yếu
Phát biểu tại buổi hội thảo về CNHT do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định: Các chính sách phát triển ngành CNHT của Việt Nam vừa thiếu lại vừa yếu.
Đến nay, Việt Nam chưa có nhiều chính sách liên quan đến ngành CNHT. Cụ thể: Ngày 1/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1043/2013/QĐ- TTg phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Theo đó, 6 ngành công nghiệp ưu tiên phát triển là điện tử, ôtô, máy nông nghiệp, chế biến nông – thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng. Một trong những quan điểm của Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam- Nhật Bản là “Tập trung phát triển CNHT cho 6 ngành ưu tiên gắn với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao làm nền tảng cho các ngành này”. Trước đó, sau nhiều năm thảo luận, đầu năm 2011, chính sách phát triển CNHT được chính thức ban hành thông qua Quyết định số 12/2011/QĐ- TTg ngày 24/2/2011 về việc phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, quyết định này cũng chỉ quy định các chính sách khuyến khích phát triển CNHT đối với các ngành cơ khí chế tạo; điện tử – tin học; sản xuất- lắp ráp ô tô; dệt- may; da- giày và CNHT cho phát triển công nghệ cao.
Từ thực tế trên cho thấy: Chính sách CNHT chưa được quan tâm đúng mức, hoặc nếu có, cũng rất hạn chế ở một số lĩnh vực.
Cần sớm có nghị định về công nghiệp hỗ trợ
Theo các chuyên gia kinh tế, với trên 250 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó có không ít các thương hiệu toàn cầu lớn như: Canon, LG, Samsung, Toyota, Honda… ngành CNHT tại Việt Nam đang đứng trước một cơ hội phát triển lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hoặc chỉ tham gia với những sản phẩm đơn giản.
Điển hình như trong lĩnh vực sản xuất ôtô, ông Vũ Tấn Công- Thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam – cho biết: Việt Nam có khoảng 200 DN quy mô nhỏ trong ngành công nghiệp sản xuất chi tiết. Tuy nhiên, sản phẩm của các DN này rất đơn giản với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Ngành công nghiệp điện tử cũng không khá hơn. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương- Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam tăng trưởng khoảng 10%/ năm, nhưng tham gia sản xuất linh kiện cho ngành chủ yếu là DN FDI.
Bà Hương cho rằng: DN Việt Nam có đủ khả năng để tham gia phát triển CNHT nhưng họ không mặn mà bởi thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi và sự quan tâm của Chính phủ. Chỉ cần nhận được ưu đãi giống như DN FDI, DN Việt Nam sẽ mạnh dạn đầu tư, đưa ngành CNHT của Việt Nam phát triển.
Cùng với quan điểm trên, ông Ánh đề xuất nhà nước nên sớm có Nghị định về CNHT, thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển CNHT có quy mô khoảng 3.200 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, DN làm phụ trợ cho các tập đoàn lớn… điều kiện cho DN tích cực tham gia đầu tư vào CNHT.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển được nếu không có ngành CNHT phát triển. |
Theo Báo Công Thương
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: