Khó đưa hàng Việt vào các siêu thị lớn
Để chen chân đưa được hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại không đơn giản đối với các DN Việt Nam. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua quần áo tại siêu thị Lotte. |
Vài năm trở lại đây, các Tập đoàn, DN nước ngoài ồ ạt nhảy vào thị trường Việt Nam, đặc biệt mới đây nhất, các “đại gia” Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị có quy mô lớn như Nguyễn Kim, Metro, Bic C… Trước thực trạng này, giới đầu tư trong nước cũng như người tiêu dùng lo ngại số phận hàng Việt sẽ bị “hất văng” khỏi các siêu thị ngay tại sân nhà.
HÀNG VIỆT “THẤT THẾ”
Đến siêu thị Metro, mới bước chân vào cửa đã thấy sự thắng thế của hàng Thái Lan. Những mặt hàng có xuất xứ từ Thái Lan được trưng bày ngay tại cổng chính đi vào, với đầy đủ các sản phẩm từ hàng gia dụng, quần áo đến thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm… Ngoài việc dành vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất của siêu thị, những gian hàng này còn ấn tượng khách bởi những dòng chữ hàng khuyến mại, giảm giá hấp dẫn. Đại diện siêu thị Metro cho biết, mặc dù một tập đoàn lớn của Thái Lan đã mua lại siêu thị nhưng về cơ cấu nguồn hàng ở đây hiện vẫn chưa thay đổi. Khảo sát siêu thị Metro, ngoài các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, Mỹ…, một số mặt hàng Việt Nam vẫn chiếm một tỷ lệ lớn, nhưng chủ yếu là các mặt hàng bánh kẹo, đồ uống, chén bát… Với việc dành vị trí đẹp, cộng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá của hàng Thái Lan, e rằng hàng Việt sẽ khó tồn tại được trong hệ thống siêu thị bán lẻ hiện đại này.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – thực phẩm Phước Hải (huyện Tân Thành) cho biết: Ngay khi siêu thị Metro khai trương đi vào hoạt động, Công ty của ông đã tiếp cận và ký kết được hợp đồng cung cấp sản phẩm. Tuy nhiên, từ đó đến nay, lượng hàng nhập vào không tăng, mỗi ngày chỉ nhập khoảng 20-30kg rau củ quả. Với số lượng quá ít nên hơn một năm nay, Công ty phải ngừng cung cấp hàng cho Metro. Thực tế này cũng diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước, nơi có mặt hệ thống siêu thị Metro. Một số công ty Việt cho biết, sau khi Metro rơi vào tay người Thái, hàng hóa của họ đưa vào hệ thống siêu thị này giảm hẳn. Dù phía siêu thị không tuyên bố từ nay sẽ không lấy hàng của DN Việt nhưng họ tìm nhiều cách để hạn chế hàng Việt và từng bước đưa hàng của nước họ vào siêu thị để thay thế hàng Việt. Nếu trước đây hàng Việt vào siêu thị được 10 phần thì nay giảm chỉ còn hai, ba phần. Đó là chưa kể, để đưa hàng vào được siêu thị, các DN trong nước phải chịu rất nhiều áp lực từ các khâu thủ tục, vốn… Đại diện một công ty chuyên kinh doanh hàng thực phẩm cho biết, để đưa hàng vào được siêu thị đã khó khăn, giữ vững hàng hóa trên kệ ở siêu thị càng gian nan gấp trăm lần. Bởi thế, có nhà sản xuất muốn hàng hóa của mình đến với người mua đành phải cắn răng chấp nhận trước những đòi hỏi của siêu thị như liên tục tăng chiết khấu, phí mở mã hàng, phí hỗ trợ các chương trình sinh nhật, khuyến mãi… Các nhà sản xuất trong nước lo ngại, với đà này hàng Việt Nam sẽ bật ra ngoài, nhường chỗ cho hàng ngoại trên các quầy kệ trong siêu thị.
Hàng Thái Lan được trưng bày ở vị trí dễ nhìn nhất tại siêu thị Metro. |
PHẢI CẠNH TRANH BẰNG LIÊN KẾT
Bắt đầu từ năm 2015, hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập lớn đã thành công, với sự “đổ bộ” vào Việt Nam của nhiều tập đoàn lớn ngành bán lẻ nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… khiến cho hàng Việt ngày càng thất thế trên sân nhà. Nhiều thương vụ tiêu biểu như Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% của Citimart; Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) đã mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, với giá trị khoảng 879 triệu USD; Lotte (Hàn Quốc) nắm quyền điều hành Trung tâm thương mại Diamond Plaza khi sở hữu 70% cổ phần… Đầu năm 2016, Tập đoàn Central Group của Thái Lan cũng đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn để sở hữu Big C Việt Nam với giá trị hơn 1 tỷ USD. Hàng Thái Lan cũng đã vào tận cửa mỗi gia đình khi ngày càng nhiều cửa hàng bán lẻ, siêu thị mini… chuyển sang kinh doanh hàng Thái Lan với nhiều sản phẩm chất lượng tốt, đa dạng về mẫu mã.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thương mại, các DN Thái Lan rất giỏi trong liên kết giữa sản xuất và phân phối. Do đó, việc các nhà đầu tư Thái Lan sở hữu, hoặc chiếm nhiều cổ phần trong hệ thống phân phối tại Việt Nam, tất yếu dẫn đến hàng hóa được sản xuất và nhập khẩu từ Thái Lan sẽ chiếm tỷ trọng lớn ở các siêu thị với chất lượng tốt, giá bán cạnh tranh. Tới đây, không chỉ là những mặt hàng như dầu gội, kem đánh răng, thực phẩm đóng gói… mà nhiều mặt hàng kim khí điện máy, xa xỉ phẩm khác nhập khẩu từ Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam.
Thời gian qua, để giúp các DN tiếp cận, mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm, Sở Công thương BR-VT đã tổ chức nhiều hội thảo, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Mới đây nhất, Sở Công thương đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương DN hai tỉnh BR-VT và Lâm Đồng nhằm tạo cơ hội liên kết phát triển thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường của hai tỉnh. Đồng thời tạo thuận lợi cho các DN sản xuất, kinh doanh của hai tỉnh trao đổi, quảng bá, tìm hiểu các sản phẩm tiêu biểu, có thế mạnh của từng địa phương, tìm kiếm những cơ hội hợp tác, tiến tới ký kết, ghi nhớ liên kết giao thương.
Theo ông Trần Việt Trung, Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương, đa phần DN trên địa bàn tỉnh là DN nhỏ và siêu nhỏ, quy mô chỉ dưới 20 lao động. Các sản phẩm của các DN tạo ra chưa đạt quy chuẩn Việt Nam, chưa thực hiện tốt nhãn hiệu và chưa coi trọng quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, hàng hóa rất khó cạnh tranh, khó vào được hệ thống bán lẻ hiện đại. “Đứng trước tình thế này, chúng ta không còn cách nào khác là phải cạnh tranh bằng liên kết, tạo ra một đầu mối, một chuỗi cung cấp sản phẩm, xây dựng uy tín, mẫu mã, giá cả, chất lượng, bằng dịch vụ chăm sóc khách hàng…”, ông Trung nói.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số 50 nhóm mặt hàng Việt Nam phải nhập khẩu từ các nước, có đến 41 nhóm hàng nhập từ Thái Lan. Mức độ thâm nhập của hàng Thái không chỉ ở số lượng mà còn là sự đa dạng chủng loại, ngành hàng. Riêng 3 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan của Việt Nam là 1,818 tỷ USD. Tỷ trọng nhiều nhất là ôtô nguyên chiếc và linh kiện ôtô với tổng giá trị 281 triệu USD. Tiếp sau là đồ điện gia dụng và linh kiện với 244,3 triệu USD… |
Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu.
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: