Làng rèn Đa Sỹ bền bỉ giữ nghề
Giữa những dãy nhà cao tầng san sát, tiếng đe, tiếng búa vẫn rộn ràng khắp Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội). Dường như quá trình đô thị hóa vẫn chưa đủ sức “nuốt” mất nghề truyền thống lâu đời của người dân nơi đây.
Đa Sỹ vốn là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng, có lịch sử lâu đời của Hà Nội. Người dân nơi đây vẫn tự hào bởi khả năng tạo ra những con dao “chặt được cả sắt”. Cũng giống như những làng nghề khác ở ven thành phố, nỗi lo quá trình đô thị hóa “ăn” dần nghề truyền thống, đang khiến lớp thợ già lo lắng.
Ông Long thuộc lớp thợ “già cả” của làng chia sẻ, nghề rèn giờ không còn hấp dẫn như xưa. Lớp trẻ thế hệ 9x làm nghề hiện đếm trên đầu ngón tay. Bản thân hai người con của ông cũng không theo nghề truyền thống.
“Hiện nay, 60% số lao động tại làng còn làm nghề nhưng không chắc còn giữ được bao lâu” – ông Long lo lắng.
Sự lo lắng của ông Long không phải lo xa, nhiều bài học nhãn tiền đã diễn ra tại các làng nghề tương tự như Từ Vân (Thường Tín), Phú Nghĩa (Chương Mỹ)… Tuy nhiên, theo quan sát thực tế, Đa Sĩ vẫn còn không ít lao động trẻ gắn bó với nghề truyền thống.
Hai anh em Chiến – Trọng tuổi đời còn khá trẻ cho biết: Nghề này đã gắn bó với gia đình tôi từ thế hệ cụ, ông, bỏ nghề đi thì thấy tiếc lắm. Chúng tôi đang cố gắng giữ lấy thương hiệu “Sáng – Đa Sỹ” do ông cha để lại.
Vợ chồng anh chị Hải – Hương cũng chia sẻ, nghề làm dao tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định, vẫn đảm bảo cuộc sống nên chúng tôi không bỏ .
Thực tế cho thấy, nghề làm dao tại Đa Sỹ cho thu nhập khá ổn định. Với những hộ gia đình đơn thuần làm thủ công, thu nhập ở mức 8-10 triệu đồng/tháng, những hộ gia đình đầu tư búa máy, sản xuất nhiều chủng loại, thu nhập lên tới 20-25 triệu đồng/tháng. Hiện thị trường tiêu thụ vẫn tốt, phần lớn sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đấy.
Ngày nay, nghề rèn tại Đa Sỹ đỡ vất vả hơn nhiều, năng suất cũng tăng cao do các hộ làm nghề đầu tư thêm máy móc tự động, bán tự động. Người thợ chỉ làm thủ công các công đoạn hoàn thiện sản phẩm như tạo hình dáng và kỹ thuật “tôi” để dao sắc và cứng… Vì thế, nghề rèn vẫn giữ chân được người lao động.
Đặc biệt, người dân Đa Sỹ đã biết làm thương hiệu, mặc dù mới ở mức truyền thống, tự phát. Trên sản phẩm, mỗi gia đình đóng tên riêng làm thương hiệu, với những loại dao có kích thước lớn như dao chặt, dao thái… còn kèm theo số điện thoại. Theo lý giải của người dân nơi đây, việc đóng tên, số điện thoại lên sản phẩm vừa tiện liên hệ mua bán vừa khẳng định tên tuổi và quảng bá sản phẩm.
Tuy nhiên, người dân làng nghề vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Dao Đa Sỹ chưa khắc phục được nhược điểm hoen gỉ, mẫu mã, hình thức của sản phẩm cũng chưa hấp dẫn nên chưa thâm nhập được vào phân khúc thị trường hàng gia dụng cao cấp. Vì vậy, ít được bày bán trong hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Sản xuất của làng nghề vẫn phụ thuộc vào đơn đặt hàng từ nhà phân phối tại các tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, do chạy theo lợi nhuận, một số hộ gia đình trong làng làm dao rút- loại dao làm từ tôn, không qua tôi lửa và dao làm từ thép, chất lượng kém, không đủ tiêu chuẩn. Đáng nói, những loại dao này vẫn được đóng thương hiệu Đa Sỹ.
Một trăn trở nữa đó là người dân trong làng vẫn dùng lò than, vì thế khói bụi và ô nhiễm chưa được khắc phục. Để giảm tác hại tới môi trường làng nghề, Dự án quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề Đa Sỹ đã được lập từ năm 2003 và được phê duyệt. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa hoàn thành.
Năm 2014, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội đã xây dựng mô hình thí điểm sản xuất sạch hơn tại làng nghề. Dự án có tổng mức đầu tư 380 triệu đồng, ngân sách từ UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư cho đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị. |
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: