Hệ thống lò hơi Nhà máy bia Sài Gòn – Sông Lam do Polyco đảm nhiệm
Chất lượng tốt, giá cạnh tranh
Giám đốc Chi nhánh Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) Võ Thanh Tuấn khẳng định: VEAM có đủ năng lực sản xuất các loại máy động lực, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài cung ứng cho thị trường nội địa, hàng năm công ty còn đẩy mạnh xuất khẩu đi một số thị trường. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 33 triệu USD.
Ông Đinh Văn Thành – Tổng giám đốc Tập đoàn Polyco- thông tin, nhiều năm nay Polyco đã cung cấp đồng bộ các hệ thống thiết bị cho nhà động lực, hệ thống máy thiết bị liên quan đến công nghệ sản xuất… cho các nhà máy bia, rượu, nước giải khát, sữa tại Việt Nam. Qua đánh giá từ các đối tác, sản phẩm, giải pháp Polyco cung cấp không chỉ có ưu thế về giá mà việc hậu mãi cũng được thực hiện rất tốt. Đây được xem là lợi thế lớn của DN trong cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Trọng Tiếu – Tổng giám đốc Tổng công ty CP thiết bị điện Việt Nam (GELEX EMIC)- sản phẩm của Cadivi (thành viên GELEX EMIC) sản xuất có thể thay thế cáp ngầm nhập khẩu; thiết bị đo điện công tơ, đo điện thông minh của một số DN khác sản xuất đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế…
Đáng chú ý, tổ máy phát điện công suất 2.500KVA do Công ty CP Sáng Ban Mai sản xuất (loại máy có công suất lớn nhất hiện nay) có công nghệ tương đương với các nước phát triển như :Nhật Bản, Anh, Pháp, Italia, Hoa Kỳ nhưng lại có giá bán rẻ hơn 15 – 40%. Sản phẩm đã sử dụng hiệu quả tại khu vực tư nhân và nhiều công trình lớn như: VMS-Mobifone, Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex – Bình Dương…
Phá bỏ các rào cản
Dù các sản phẩm máy móc, thiết bị của DN Việt Nam sản xuất đã dần tạo được vị thế và chỗ đứng trên sân nhà nhưng hầu hết DN đều cho rằng, sản phẩm của họ còn có thể phát triển hơn nữa nếu vướng mắc liên quan vốn, thị trường… được tháo gỡ.
Ông Đinh Văn Thành cho rằng, ngoại trừ một số DN dẫn đầu ngành, phần lớn DN cơ khí chế tạo thiết bị cho ngành đồ uống là các DN vừa và nhỏ, nguồn vốn hạn chế nên trang thiết bị lạc hậu, năng lực kém. Vì vậy, các dự án lớn khi đấu thầu quốc tế thường rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Về thị trường xuất khẩu, do trở ngại về ngôn ngữ, thiếu thông tin về luật pháp quốc tế, chưa có điều kiện nghiên cứu thị trường… nên không ít DN của Việt Nam dù có sản phẩm chất lượng cũng không dám tiếp cận thị trường thế giới.
Theo phản ánh của nhiều DN cơ khí, một khó khăn lớn trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà họ gặp phải chính là việc nhiều chủ đầu tư vẫn còn tâm lý “sính ngoại” cao, coi thiết bị ngoại tốt hơn trong nước.
Trước thực tế này, các DN sản xuất máy móc, thiết bị Việt Nam đề nghị nhà nước cần có giải pháp cụ thể hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay cũng như nguồn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, thị trường thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học,… Ngoài ra, cơ quan quản lý cần đưa ra chế tài đảm bảo cạnh tranh công bằng cho DN nội, đồng thời ưu tiên DN nội tại các dự án trong nước làm chủ đầu tư.
Theo phản ánh của nhiều DN cơ khí, một khó khăn lớn trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà họ gặp phải chính là việc nhiều chủ đầu tư vẫn còn tâm lý “sính ngoại” cao. |