Mô hình nào cho đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp?
Hiện có nhiều mô hình quản lý đầu tư khai thác cụm công nghiệp (CCN), trong đó mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng được coi là giải pháp tối ưu cho phát triển CCN. Tuy nhiên để mô hình đó phát huy hiệu quả lại không hề dễ khi còn quá nhiều trở ngại.
Việc đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đang gặp nhiều trở ngại về chính sách |
Theo tổng hợp từ Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), mô hình chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN tại các địa phương trên cả nước hiện chưa thống nhất. Còn tồn tại nhiều mô hình như: Doanh nghiệp tư nhân, Trung tâm phát triển CCN, Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp/Khu kinh tế (doanh nghiệp nhà nước), UBND cấp huyện… làm chủ đầu tư.
Theo phân tích, mỗi mô hình đều có ưu, khuyết điểm. Với mô hình Trung tâm phát triển CCN cấp huyện làm chủ đầu tư, do là đơn vị sự nghiệp trực tiếp đầu tư nên thuận lợi hơn trong việc chỉ đạo, điều hành của UBND cấp huyện đối với quản lý CCN. Tuy nhiên, nhà nước phải bỏ tiền đầu tư kết cấu hạ tầng CCN nên kinh phí và biên chế sự nghiệp để vận hành rất hạn chế.
Mô hình do Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp/Khu kinh tế (doanh nghiệp nhà nước) làm chủ đầu tư, phù hợp với CCN có quy mô lớn, tính chất hoạt động công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, không phù hợp với CCN quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Mô hình do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư có ưu điểm giảm được gánh nặng ngân sách và trách nhiệm của nhà nước trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án đầu tư vào trong CCN; tiến độ xây dựng và chất lượng các hạng mục công trình hạ tầng tương đối đảm bảo; các dịch vụ công cộng như: bảo vệ, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải… thực hiện khá tốt. Việc khắc phục các hư hỏng được doanh nghiệp triển khai kịp thời, tạo thuận lợi cho các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với nhiều ưu điểm, mô hình do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư vẫn được đánh giá là tối ưu nhất. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, mô hình này hiện rất khó triển khai, chính xác hơn là rất khó tìm được doanh nghiệp chịu đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.
Ông Nguyễn Văn Minh- phụ trách phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương- cho biết- mỗi CCN đòi hỏi vốn đầu tư khoảng trên 100 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp lại không được quyền quản lý hoàn toàn mà chịu sự chi phối từ đa bộ ngành: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên môi trường… Vì vậy, thủ tục hành chính rất rườm rà. Ngoài ra, cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện nay chưa tạo được sức hút, thậm chí còn nhiều bất cập, trong khi đó đầu tư đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi chậm khiến doanh nghiệp không ít e ngại.
Trên thực tế, xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng CCN là định hướng xuyên suốt của chính sách phát triển CCN. Cục Công nghiệp địa phương đã nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện thu hút vốn xã hội vào CCN nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu. Vì vậy, để thu hút nguồn vốn xã hội vào phát triển CCN, đồng nghĩa với việc tạo sức hút với doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cần chính sách đủ mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ký văn bản đồng ý đưa vào Chương trình Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút mạnh mẽ đầu tư phát triển CCN và vùng nông thôn, trình Chính phủ trong quý II/2016. |
Theo Báo Công Thương
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: