Môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung cơ bản đã an toàn |
Môi trường biển đã an toàn
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ TN&MT – khẳng định: Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng làm hải sản chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung, từ tháng 4 -5/2016, Bộ đã phối hợp triển khai chương trình quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích và các hệ sinh thái trong thời gian trên phạm vi 8 tỉnh, từ Thanh Hóa đến Quảng Nam. Sau đó, chương trình được triển khai tiếp từ tháng 6 đến ngày 16/8 trên phạm vi vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Trên cơ sở kết quả phân tích của 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8) cho thấy: Về cơ bản, các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng Coliform đều nằm trong giới hạn cho phép.
Về chất lượng nước biển tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế: Kết quả giám sát liên tục của các địa phương theo chỉ đạo của Bộ TN&MT từ đầu tháng 5/2016 đến nay chỉ rõ, tất cả các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.
Việc đánh giá màng bám hệ keo sắt hấp phụ các độc tố phenol, xyanua… được thực hiện tại 9 khu vực có rạn san hô và các dạng nền đáy khác trong vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế với tổng cộng 63 điểm khảo sát.
Đến giai đoạn tháng 6 và 7/2016, không còn xảy ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng. Trên rạn san hô đã thấy hiện tượng san hô phục hồi tự nhiên từng phần và ấu trùng san hô bắt đầu định cư và phát triển trên nền đáy rạn (rạn san hô khu vực Hòn Nồm, Hải Vân, Sơn Chà).
Cần tiếp tục giám sát
Tại Hội nghị, GS. Mai Trọng Nhuận – nguyên giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – cho rằng, kết quả quan trắc cho thấy, các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn khu vực nằm trong giới hạn quy định quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, một số khu vực có dòng xoáy cục bộ như Sơn Dương, phía đông của Nhật Lệ, hòn Sơn Chà, khả năng phân tán chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân đề nghị các bộ, ngành cần có giải pháp lâu dài, bởi vì chỉ tiêu độc tố môi trường biển vẫn còn. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh cần có giải pháp kiên quyết quản lý Formosa trong quá trình hoạt động sắp tới, không để xảy ra sự cố tương tự.
Trước câu hỏi thủy, hải sản đã an toàn chưa?, đại diện Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy mẫu hải sản, giám sát chất lượng. Theo đó, từ tháng 6 đến nay, kết quả giám sát bước đầu cho thấy chất ô nhiễm trong các mẫu đã giảm dần. Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp đẩy mạnh giám sát chất lượng hải sản, khi có kết quả sẽ công bố.
Các thông số sắt, tổng phenol và xyanua (là nguyên nhân chính gây sự cố môi trường) đã giảm đi đáng kể, số lượng mẫu có hàm lượng vượt giới hạn cho phép cũng đã giảm xuống. Đến thời điểm hiện nay (theo kết quả quan trắc kiểm chứng trong tháng 8/2016), hàm lượng tổng phenol trong nước biển nhỏ hơn giới hạn cho phép. |
Theo Báo Công Thương.