Năm 2020, ngành da giày đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD
Năm 2020 ngành da giày dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình tăng khoảng 11%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm 60%, kim ngạch xuất khẩu đạt 24 tỷ USD, giữ vững tốc độ tăng trưởng 10% so với năm 2019.
Hoàn thành mục tiêu, giữ vững đà tăng trưởng
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết Ngành da giày túi xách Việt Nam năm 2019 do Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức chiều 3/1/2020, bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng Thư ký Lefaso cho biết, 11 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 19,96 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm tỷ trọng 8,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ước tính cả năm 2019, ngành về đích xuất khẩu đạt mục tiêu 22 tỷ USD, tăng 12,2 % so với năm 2018.
Từ năm 2015 đến nay, ngành da giày Việt Nam liên tục đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép |
Hiện Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước, trong đó có 70 nước đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Từ năm 2015 đến nay, ngành da giày Việt Nam liên tục đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) và là một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. “Năm 2019 hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam tặng trưởng ổn định, duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống. Top 5 thị trường có kim ngạch lớn nhất, chiếm trên 82,% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam bao gồm: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.” – Tổng Thư ký Lefaso thông tin.
Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22 tỉ USD, nhưng đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu là khối doanh nghiệp có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 15,1 tỉ USD, chiếm 75,8%. “Tuy nhiên, khoảng cách của doanh nghiệp FDI và trong nước đã thu hẹp, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng từ 19,7% (năm 2017) lên 24,2% (năm 2019). Đây là dấu hiệu tốt, khẳng định sự phục hồi của các doanh nghiệp da giày trong nước”, bà Xuân khẳng định.
Từ những tín hiệu tích cực trên, năm 2020, Lefaso dự báo nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm da giày tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tăng. Vì theo các chuyên gia quốc tế, từ năm 2020 nguy cơ đối đầu thương mại Mỹ – Trung; giữa Mỹ với các đối tác thương mại khác ở châu Âu, Ấn Độ… sẽ giảm dần và nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi. Các đơn hàng gia công giày dép, túi xách tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định FTA, thay thế cho sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất, sẽ giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Theo đó, Lefaso dự báo năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình của ngành tăng khoảng 11%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm 60%, kim ngạch xuất khẩu đạt 24 tỷ USD, giữ vững tốc độ tăng trưởng 10% so với năm 2019.
Đưa ngành da giày trở thành mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Cao Quốc Hưng chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những kết quả ngành đã đạt được trong năm 2019. Theo Thứ trưởng, hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam tăng trưởng ổn định, duy trì được các thị trường truyền thống, là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành, của Lefaso và các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương – Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị |
“Năm 2019 Lefaso đã thực hiện tốt chức năng đại diện cộng đồng cho doanh nghiệp cũng như tham vấn chính sách cho các cơ quan nhà nước, tiêu biểu như tham vấn chính sách đối với vấn đề công nghiệp hỗ trợ, tham vấn cải cách thủ tục hành chính, tham vấn sửa đổi bộ luật lao động… Đồng thời tích cực chủ trì, phối hợp tham gia các hoạt động của ngành như lễ vinh danh các thương hiệu da giày Việt Nam có uy tín, thực hiện tốt vai trò đầu mối xúc tiến thương mại của ngành, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm. Đặc biệt năm 2019, hiệp hội đã hoàn tất thủ tục thành lập trung tâm kiểm nghiệm da giày ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của hiệp hội, các doanh nghiệp đã tăng cường liên kết, chủ động, sáng tạo, tích cực trong nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, góp phần vào thành tích chung của toàn ngành.” – Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.
Để giữ vững được tốc độ phát triển của ngành, Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quan tâm, sát cánh cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất. “Đặc biệt, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng chiến lược phát triển ngành da đến năm 2030, tầm nhìn 2035 để tiếp tục đưa ngành da giày trở thành mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu.” Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Bước sang năm 2020 tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. Cùng với đó, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do FTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức. Vì vậy các doanh nghiệp cần phải tích cực nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và chủ động hơn trong việc phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị, Lefaso tiếp tục làm cầu nối tích cực giữa Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp; tiếp tục tập trung đào tạo những cán bộ giỏi về chuyên môn, am hiểu luật pháp, sẵn sàng, chủ động tham gia các đoàn đàm phán quốc tế, các đoàn giải quyết tranh chấp thương mại để bảo vệ quyền lợi các hội viên; tham mưu tích cực cho Chính phủ trong việc ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến ngành da giày và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng chiến lược phát triển ngành da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
Theo congthuong.vn
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: