Rút ngắn khoảng cách tiếp cận đối với hợp tác thương mại và hợp tác công nghiệp
Sáng 19/2, trong khuôn khổ Hội nghị Tham tán Thương mại 2016 đã diễn ra Phiên làm việc về Hợp tác công nghiệp và quản lý đầu tư công nghiệp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú điều hành.
Hội nghị đã nghe tham luận về hợp tác quốc tế trong công nghiệp và quản lý đầu tư công do ông Lê Hữu Phúc – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương – trình bày. Theo đó tóm lược một số thành tựu tiêu biểu của ngành Công Thương; đặc biệt nhấn mạnh đến tăng trưởng công nghiệp đạt 10% trong năm 2015 – đạt tốc độ cao nhất trong giai đoạn 2011-2015. Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng kinh tế mới với việc kết thúc đàm phán và ký kết thành công một số hiệp định thương mại song phương với các đối tác quốc tế gồm Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu và đa phương như TPP.
Để có thể tận dụng được những cơ hội này, Việt Nam cần tiếp tục thu hút mọi nguồn lực, trong đó có các nguồn đầu tư nước ngoài, để phát triển năng lực cạnh tranh ở các ngành công nghiệp ưu tiên gồm có: (i) Nhóm ngành chế biến – chế tạo (cơ khí và luyện kim, hóa chất, chế biến nông/lâm/thủy sản, dệt may, da giày); (ii) Nhóm ngành điện tử viễn thông; (iii) nhóm ngành năng lượng mới – năng lượng tái tạo cùng các ngành công nghiệp phụ trợ ở 3 khía cạnh: cải cách thể chế – chính sách, nâng cấp cơ sở – hạ tầng và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế cũng nêu bật tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp từ Thương vụ cũng như thúc đẩy việc xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác, đặc biệt quan hệ đối tác với các doanh nghiệp đa quốc gia. Thúc đẩy hơn nữa hợp tác công nghiệp là nhiệm vụ hết sức cấp bách, đòi hỏi các cấp/ngành Công Thương, trong đó có đội ngũ các tham tán, tùy viên, đại diện thương mại, phải đồng lòng và nỗ lực hợp tác để thu hút mạnh mẽ hơn nữa sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.
Hội nghị cũng đã nghe nhiều ý kiến phản hồi từ các tham tán, tùy viên, đại diện thương mại. Trong đó, có việc cần xây dựng một cơ sở dữ liệu tập trung để cung cấp thông tin cập nhật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực các công nghiệp, giúp thuận tiện hóa việc khai thác và cung cấp thông tin của các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài cho cộng đồng doanh nghiệp nước sở tại…
Tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, việc tiếp tục xây dựng, củng cố các kênh trao đổi thông tin giữa mạng lưới các thương vụ và các Bộ/ngành trong nước là cần thiết và tiếp tục được ưu tiên. Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhận định: Hiện vẫn còn khoảng cách lớn về phương pháp tiếp cận đối với hợp tác thương mại và hợp tác công nghiệp, cụ thể là các hợp tác thương mại thì được chú trọng, nhưng công nghiệp còn bị xem nhẹ. Đây là vấn đề cần được giải quyết trong thời gian tới và cần lưu ý và khắc phục ở tất cả các khâu tuyển dụng, đào tạo, phân bổ nhân lực, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang còn gặp nhiều khó khăn trong công cuộc đổi mới mô hình tăng trưởng.
Ngoài ra, Thứ trưởng khuyến nghị các tham tán, tùy viên, đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài cần mở rộng phạm vi nghiên cứu, tiếp cận của mình đối với mọi khía cạnh phát triển kinh tế – xã hội của nước sở tại để không chỉ phát hiện những nhu cầu hợp tác mới, mà còn phát hiện những xu hướng phát triển mới về năng lực cạnh tranh, xu hướng tái cơ cấu của quốc gia đó, đặc biệt là của các nền kinh tế lớn, các nền kinh tế trong khu vực, các khối kinh tế đa phương có liên quan, để có cơ sở đề xuất xây dựng các chính sách phát triển ngành phù hợp cho các Bộ/ngành trong nước. Thứ trưởng đề xuất, các tham tán, tùy viên, đại diện thương mại cần tận dụng môi trường, quan hệ công tác để phát hiện các nhà khoa học, các nguồn công nghệ mà Việt Nam có thể tiếp cận và tận dụng để đẩy mạnh năng lực sản xuất ngành công thương nói riêng và của đất nước nói chung.
Theo Báo Công Thương
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: