Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh |
Sản xuất công nghiệp tiếp đà tăng trưởng
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 2, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng 7,9%; tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,8%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%.
Đóng góp quan trọng cho kết quả này là nỗ lực của doanh nghiệp các ngành công nghiệp chủ chốt. Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất hai tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất kim loại: 25,3%; sản xuất xe có động cơ: 14,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác: 12,1%; sản xuất trang phục: 10,3%; điện sản xuất: 13,6%; khí hóa lỏng (LPG): 13,4%; sắt thép thô: 16,7%; thép cán: 23%; thép thanh, thép góc: 28,3%; tivi: 27,7%; ôtô: 38,8%…
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015 là động lực lớn cho sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm. Tại thời điểm ngày 1/2, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9% so với cùng thời điểm năm trước.
Như vậy, hai tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng (tháng 1 tăng 5,9%, tháng 2 tăng 7,9%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp thấp hơn so với mức tăng 12% của cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 1,7%; nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học chững lại, chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015 và sản xuất thiết bị điện giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2015. Tồn kho ở mức hợp lý và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (thấp hơn 2,4 điểm phần trăm).
Xuất siêu liên tục
Trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa cả nước ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với tháng 2/2015 và giảm 22,9% so với tháng 1/2016. Tính chung hai tháng, kim ngạch XK hàng hóa cả nước ước đạt 23,66 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhóm công nghiệp chế biến vẫn chứng minh vai trò “đầu tàu” của XK với kim ngạch ước đạt gần 19,1 tỷ USD trong hai tháng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm tỷ trọng khoảng 80,6%. Tuy nhiên, một số nhóm mặt hàng XK chủ đạo có tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2015 là điện thoại các loại, linh kiện, máy vi tính, linh kiện điện tử, máy quay phim và linh kiện đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng đến tăng trưởng XK của Việt Nam.
Nhóm nông, lâm, thủy sản xếp thứ hai với kim ngạch XK ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm tỷ trọng 12,5%. Một điểm đáng lưu ý là sau một năm gặp nhiều khó khăn và biến động, bước sang những tháng đầu năm 2016, tình hình XK nhóm hàng nông lâm thủy sản đã có những dấu hiệu phục hồi đáng ghi nhận. Trừ mặt hàng sắn, lượng XK các mặt hàng trong nhóm nông lâm, thủy, sản đều tăng. Riêng với mặt hàng gạo, sau hai tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu đã ước đạt 1,01 triệu tấn với giá trị 445 triệu USD, tăng gấp gần hai lần cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo của các chuyên gia, XK gạo năm nay sẽ tương đối “dễ thở” khi nhu cầu thế giới tăng cao bởi hiện tượng El Nino toàn cầu.
Đối lập với sự tăng trưởng của hai nhóm hàng kể trên, nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 0,41 tỷ USD kim ngạch XK, giảm 51,7% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm tỷ trọng 1,7%.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 2, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 10,2 tỷ USD, giảm 19% so với tháng trước và giảm 0,9% so với tháng 2/2015. Hai tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 22,8 tỷ USD, giảm 6,6%.
Với con số kim ngạch như vậy, trong tháng 2, cả nước ước xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung hai tháng, con số xuất siêu ước đạt 865 triệu USD, bằng 3,7% kim ngạch XK.
Đảm bảo hàng hóa cho nhu cầu sử dụng trong nước
Do hai tháng đầu năm trùng với Tết Nguyên đán nên thị trường hàng hóa trong nước được Bộ Công Thương đặc biệt coi trọng. Theo đó, thị trường được đánh giá là ổn định, hàng hóa phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã. Việc tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng như: quần áo, giày dép, thực phẩm, bánh mứt, nước giải khát các loại… khá sôi động; nhiều chương trình giảm giá được các doanh nghiệp đồng loạt áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm. Do nguồn cung hàng hóa dồi dào, nên không xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh, nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong tháng 2, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 9.580 vụ, phát hiện xử lý trên 7.500 vụ vi phạm, tổng số thu nộp ngân sách 15,3 tỷ đồng.
Thị trường trong nước ổn định trong dịp tết Nguyên đán |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 2/2016 ước đạt 287,961 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với tháng 2/2015. Tính chung hai tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 586,967 nghìn tỷ đồng, tăng 9,75%. Chỉ số giá tiêu dùng được kìm giữ tốt khi hai tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 1,03% so với cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, dù trùng với đợt nghỉ Tết Nguyên đán tương đối dài, nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, đơn vị toàn ngành, hai tháng đầu năm vẫn chứng kiến những “điểm sáng” đáng ghi nhận của toàn ngành. Đây là những dấu hiệu đáng mừng và là động lực để ngành Công Thương bứt phá hơn, nỗ lực để đạt được chỉ tiêu Quốc hội giao ngay từ những tháng đầu năm..
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, trong những tháng tiếp theo, các đơn vị chức năng thuộc Bộ phải xây dựng các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó nỗ lực hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý theo hướng thực hiện tốt các cam kết quốc tế về hội nhập cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí, phát triển sản xuất – kinh doanh, đầu tư mở rộng XK… |
Theo Báo Công Thương