Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu: Doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế
5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài(FDI) đã có những bước tăng trưởng khá nhanh, hiện nay chiếm tỷ trọng gần 80% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Cán cân nghiêng hẳn về DN FDI
Giá trị xuất khẩu trên địa bàn cả dầu khí trong 5 năm (2011-2015) hơn 70,890 tỷ USD, đạt 227,12%. Nếu không tính dầu khí thì giá trị xuất khẩu hơn 11,173 tỷ USD, đạt 153,51%, trong đó xuất khẩu tại các DN FDI giữ vai trò chủ đạo với giá trị xuất khẩu hơn 8,791 tỷ USD. Theo đánh giá của Sở Công thương, xuất khẩu của tỉnh trong những năm qua tăng trưởng nhanh nhưngthiếu ổn định, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của thị trường, các rào cản thương mại quốc tế và nhất là phụ thuộc quá nhiều vào các DN FDI. Ngành công nghiệp giày da là một ví dụ. Đây là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cũng như giá trị xuất khẩu đứng trong “top” đầu nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, đến thời điểm này, “điểm mặt” các DN có nhiều lợi thế về xuất khẩu trong sản xuất da giày, thuộc da cũng chỉ tập trung ở các DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu, Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt, Công ty TNHH Sanfang Việt Nam… Đây cũng là tình trạng của một số ngành khác như may mặc, thép. Đặc biệt mặt hàng linh kiện điện tử thì DN FDI gần như chiếm vị trí độc tôn.
Trên cả nước DN FDI cũng chiếm ưu thế trong xuất khẩu, theo Cục Đầu tư nước ngoài, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 6 tháng năm 2015 đạt 54,88 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2015, khu vực FDI xuất siêu 6,07 tỷ USD.
Phân tích các lợi thế, nguyên nhân khiến cho cán cân xuất khẩu nghiêng hẳn về phía DN FDI, theo Sở Công thương là do ngay từ khi triển khai dự án, đa phần các DN FDI đã có thị trường đầu ra trên quy mô toàn thế giới. Trong khi các DN trong nước chưa chú trọng khâu này nên khi đi vào hoạt động gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Thị trường xuất khẩu cũng như quy mô các mặt hàng đạt trên 100 triệu USD được mở rộng, tập trung vào các mặt hàng chủ lực của các DN FDI như thép, cơ khí chế tạo, vải giả da, da thuộc, sản phẩm giả da… Ngoài ra, các DN FDI là những tập đoàn lớn có lợi thế lớn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ. Trong khi đó, các DN trong nước lại tập trung xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy hải sản, khai thác từ thiên nhiên, hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản phẩm thấp nên giá trị xuất khẩu không cao.
DN trong nước còn bị cạnh tranh nhiều hơn
Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại BR-VT cho thấy, các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ngày càng tăng, đặc biệt một số dự án lớn để sản xuất hàng xuất khẩu đang tích cực giải ngân, mở rộng sản xuất, dự kiến khu vực FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo ra giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng bộc lộ không ít hạn chế bởi nhóm hàng xuất khẩu lớn mà DN FDI đang giành lợi thế phần lớn dựa vào thâm dụng lao động và gia công. Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tác động lan tỏa của FDI đối với khu vực kinh tế trong nước còn yếu, ít thấy có mối liên kết sản xuất giữa các DN FDI với DN trong nước. Hiện tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài tại các DN FDI khá lớn, chiếm hơn 90%. Tuy nhiên, trong chuỗi sản xuất của các DN FDI về các “chân rết” cung cấp nguyên phụ liệu gần như không có sự tham gia của các DN trong nước.
Các DN trong nước cũng tỏ ra lo ngại, trong thời gian tới sẽ bị cạnh tranh ngay trên sân nhà khi Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do. Một số DN ngành dệt may, da giày cho biết, hiện đã có sự chuyển dịch đơn hàng từ các DN trong nước sang phía DN FDI do lợi thế về nguồn khách hàng, đơn hàng tư phía các công ty mẹ ở nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Vũng Tàu cho rằng, ngoài ưu đãi về thuế, các DN FDI sẽ có lợi lớn từ chi phí nhân công rẻ cũng như các chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Do vậy, các DN trong nước cần có chiến lược lâu dài, từng bước chuyển sang những hình thức sản xuất cao hơn như FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất, bán thành phẩm)…
Theo Báo BR-VT
5 năm qua, mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn tập trung chủ yếu vào các sản phẩm như: Thép (2,289 tỷ USD), hải sản (1,751 tỷ USD), sản phẩm cơ khí (1,745 tỷ USD), vải giả da (699 triệu USD), sản phẩm giả da (648 triệu USD), da thuộc (563 triệu USD), giày da (384 triệu USD)…
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: