Thực hiện nhiệm vụ khuyến công địa phương năm 2024, tháng 7/2024, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức lớp tập huấn chuyên đề kiến thức, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại TP. Vũng Tàu, cho cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, các cộng tác viên khuyến công, các cán bộ làm công tác khuyến công, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Chương trình lớp tập huấn gồm các nội dung: Giới thiệu về công nghiệp hỗ trợ, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, hoạt động phát triển CN hỗ trợ; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; Hiện trạng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Giảng viên là tiến sĩ Lê Ngọc Trân – chuyên ngành Cơ khí, tự động hoá; tiến sĩ Trần Ngọc Đăng Khoa – chuyên ngành Kỹ thuật chính xác của trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, có kiến thức và kinh nghiệm tư vấn doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ.
Các học viên tham gia lớp tập huấn được nâng cao nhận thức về công nghiệp hỗ trợ, tiếp cận thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, cập nhật kết quả của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tiếp cận những phân tích của giảng viên về hiện trạng và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trao đổi với giảng viên tại lớp tập huấn, đại diện các doanh nghiệp tìm hiểu chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp hỗ trợ và mong muốn được tiếp cận để phát triển sản xuất, như: Công ty TNHH Nam Phương Xanh là doanh nghiệp sản xuất container, Công ty TNHH cơ khí và xây dựng Mạnh Thắng, Công ty TNHH Kiểm định Sông Hồng … Các doanh nghiệp như HKD Phan Văn Bình, HKD trang trại bò sữa Nguyễn Văn Nhiệm … đặt câu hỏi về nhu cầu cải tiến công nghệ sản xuất như công nghệ rang, đóng gói cà phê, công nghệ sản xuất sản phẩm từ sữa bò, công nghệ chế biến nông sản …
Các doanh nghiệp trao đổi với giảng viên tại buổi tập huấn
Để khuyến khích doanh nghiệp chủ động chuyển đổi số trong ngành công nghiệp hỗ trợ, các giảng viên chia sẻ kinh nghiệm thực hiện giải pháp Nhà máy thông minh (Smart factory) cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Mô hình nhà máy thông minh là xu hướng trong thời đại công nghiệp 4.0, toàn bộ quá trình sản xuất được kiểm soát thông qua thiết bị công nghệ, phần mềm quản trị nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu lao động thủ công, mang đến năng lực sản xuất vượt trội, tiết kiệm thời gian sản xuất, tăng sản lượng, chất lượng và tính đồng bộ, giúptăng cường vị thế và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp mong muốn tiếp tục kết nối với các giảng viên sau buổi tập huấn để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, thích nghi với xu hướng nhà máy 4.0 của khu vực và trên thế giới.
Tại buổi tập huấn, Trung tâm Khuyến công tuyên truyền chính sách hỗ trợ từ khuyến công, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến; Hỗ trợ phát triển sản phẩm thông qua chương trình bình chọn, hội chợ triển lãm, kết nối giao thương, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng …. Trong hoạt động hợp tác quốc tế về khuyến công, Trung tâm Khuyến công đã phối hợp với Sở Công Thương triển khai thành công dự án Sanjo, các doanh nghiệp có thể thuê máy móc thiết bị hình thành từ dự án Sanjo (Máy mài, máy đo độ cứng, kính hiển vi) để sản xuất thử nghiệm, kiểm định sản phẩm phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công còn thực hiện các dịch vụ tư vấn phát triển doanh nghiệp, là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các chuyên gia về công nghệ, về chiến lược kinh doanh, về quản lý nhân sự, về marketing, về môi trường, về sở hữu trí tuệ … giúp các doanh nghiệp tự tin hội nhập kinh tế quốc tế.
Phi Nga
Bình luận bài viết này