Thành lập AEC: “Mở cửa” cho hàng xuất khẩu Việt Nam
ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam nhiều năm qua. Đặc biệt, khi thời điểm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang đến gần, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN ngày một khởi sắc.
Doanh nghiệp có nhiều cơ hội xuất khẩu khi AEC được thành lập |
Thị trường xuất khẩu lớn
Bên cạnh những mặt hàng nông sản truyền thống, gần đây, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp như: Linh kiện máy tính, dệt may… sang ASEAN.
9 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với thị trường ASEAN đạt 31,3 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu 13,7 tỷ USD (chiếm 11,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước). Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ 17,6 tỷ USD hàng hóa xuất xứ từ ASEAN. Hiện ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Việt Nam cũng khá hấp dẫn các nhà đầu tư ASEAN và nhà đầu tư khác đặt trụ sở tại ASEAN. Tính đến hết năm 2014, Singapore, Malaysia và Thái Lan là ba nước thành viên ASEAN nằm trong danh sách 10 đối tác có vốn đăng ký FDI lớn nhất tại Việt Nam. Đến cuối tháng 6/2015, ASEAN có 2.632 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 54,6 tỷ USD. Trung bình mỗi dự án được đầu tư 20,7 triệu USD. Singapore dẫn đầu với 1.428 dự án, tổng vốn đầu tư 32,2 tỷ USD, chiếm 60,8% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 2 là Malaysia với 499 dự án, tổng vốn đăng ký 12,06 tỷ USD, chiếm 22,1% tổng vốn đầu tư. Thái Lan đứng thứ 3 với 392 dự án, tổng vốn đầu tư là 6,8 tỷ USD.
Tích cực cải cách trong nước
Chủ trương xây dựng AEC tại Việt Nam nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các cơ quan Đảng, Chính phủ, bộ, ngành thông qua vai trò điều phối của Bộ Công Thương.
“Tham gia AEC hay ký kết các hiệp định thương mại tự do, ngoài việc mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn tạo sức ép từ bên ngoài, thúc đẩy cải cách trong nước theo hướng minh bạch, cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp” – Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết.
Theo Vụ chính sách Thương mại và đa biên (Bộ Công Thương), Việt Nam đang tích cực thực hiện theo đúng tiến độ, lộ trình xây dựng AEC, đặc biệt về vấn đề cắt giảm thuế. Mới đây, Việt Nam đã tiến hành kết nối Cơ chế một cửa ASEAN, áp dụng hệ thống eCoSys (hệ thống xin cấp C/O qua mạng) cũng như cấp phép nhập khẩu tự động; tiến hành sửa đổi Luật đầu tư, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp…; sửa đổi và ban hành mới chính sách trong các ngành dịch vụ phân phối, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông để phù hợp với cam kết trong Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS). Đối với ngành dịch vụ ưu tiên như: Y tế, du lịch, logistics, e-ASEAN và hàng không, Việt Nam cũng tuân thủ nghiêm túc cam kết và tích cực tham gia vào các hiệp định liên quan.
Việt Nam đang tích cực thực hiện theo đúng tiến độ, lộ trình xây dựng AEC, đặc biệt về vấn đề cắt giảm thuế.
Theo Báo Công Thương
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: