Thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam: Lộ trình dài hạn
“Xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình Thương hiệu quốc gia. Để thực hiện thành công chương trình này cần một lộ trình cụ thể và dài hạn”- Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Tại Hội thảo “Xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam” vừa diễn ra tại Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thẳng thắn thừa nhận: Ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, công tác xây dựng thương hiệu vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến kim ngạch xuất khẩu (XK) chưa cao, giá trị XK các mặt hàng còn thấp.
Lý giải cho vấn đề này, ông Võ Hùng Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam – cho biết: Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay thiếu liên kết, hợp tác, đồng thời chưa có một nền tảng chuẩn mực chung, khiến ngành thực phẩm khó có thể xây dựng được một thương hiệu mạnh. Đơn cử như mặt hàng cá tra, các sản phẩm XK chủ yếu là nguyên liệu thô, không có bao bì đóng gói hay nhãn mác riêng. Vì thế, giá trị không cao dù sản lượng XK lớn. Người tiêu dùng thế giới cũng không hề biết đến thương hiệu hàng Việt. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của nước ta hiện nay.
Ông Dũng cũng chỉ ra sự yếu kém trong việc cạnh tranh giữa các DN cùng ngành. Không hề có chiến lược cạnh tranh lành mạnh, chủ yếu cạnh tranh bằng cách hạ giá. Hạ giá sẽ đi cùng với việc giảm dần chất lượng, dẫn đến sự đi xuống chung của toàn ngành.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – Phó Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam- cũng chia sẻ về việc các DN Việt đang thiếu những kế hoạch marketing dài hạn. Phần lớn các DN trong nước là DN nhỏ và vừa, DN chưa có được tầm nhìn về xây dựng thương hiệu cho chính bản thân mình và ngành hàng nói chung.
Theo ông Koos van Eyk – Giám đốc quốc gia Dự án hỗ trợ Việt Nam – CBI (Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan), Việt Nam cần xây dựng một thương hiệu chung cho cả ngành thực phẩm để có thể tạo nên một kiến trúc thương hiệu chặt chẽ, có tác động chiến lược, đem đến sự phát triển cho từng dòng sản phẩm và thúc đẩy tính hợp tác giữa các DN. Đây là hướng đi đã từng được nhiều quốc gia châu Á áp dụng thành công như: Thái Lan, Hàn Quốc… “Thương hiệu ngành sẽ chia sẻ định vị và xác định tầm nhìn của thương hiệu chung quốc gia”- ông Koos van Eyk nhấn mạnh.
Ông Đỗ Kim Lang – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương- nhận xét: Ngành hàng thực phẩm chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu nông sản của từng địa phương. Việc phát triển thương hiệu cho sản phẩm cụ thể có thể khai thác cả yếu tố chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị gia tăng và mang lại lợi ích cho địa phương. Muốn làm được điều đó các DN cần tự thân vận động, thay đổi nhận thức, đặt chất lượng lên hàng đầu, áp dụng các phương thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm… để đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước cũng như thế giới.
Từ cuối năm 2014, Cục XTTM cũng đã chính thức khởi động Chương trình Xây dựng thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam với mục tiêu định vị thương hiệu chung cho ngành thực phẩm; tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về thực phẩm Việt Nam; xây dựng uy tín về chất lượng và vị trí cũng như gia tăng mạnh mẽ XK thực phẩm Việt Nam.
Hiện đã có 9 hiệp hội ngành hàng đăng ký đồng hành cùng Chương trình Xây dựng thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam gồm: Lương thực, cà phê- ca cao, chè, trái cây, thủy sản, tiêu, điều, mật ong và dừa. |
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: