Việc tái sử dụng các phụ phẩm chế biến gỗ, sẽ nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế sản xuất kinh doanh của nhà máy, đồng thời tạo môi trường xanh, sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm Việt Nam có hơn 160 triệu tấn phụ phẩm được tạo ra từ sản xuất nông nghiệp, trong đó, phụ phẩm ngành gỗ, cấp độ sản xuất hàng hóa là rất lớn. Do đó, mô hình kinh tế tuần hoàn trong chế biến gỗ cũng ngày càng phát huy thế mạnh. Những trụ cột chính trong mô hình này là phát triển kinh tế rừng trồng, phát triển kinh tế công nghiệp chế biến gỗ và phát triển hệ sinh thái các ngành công nghiệp phụ trợ.
Ngành công nghiệp chế biến gỗ đang phát triển theo chiều hướng đáp ứng được các mục tiêu của kinh tế tuần hoàn (Ảnh: Internet)
Không ít doanh nghiệp đã áp dụng mô hình này để tái sản xuất nhưng phụ phẩm gỗ, giúp gia tăng lợi nhuận. Đơn cử như Công ty Cổ phần Phú Tài (Thành phố Quy Nhơn, Bình Định) đã tận dụng phụ phẩm từ gỗ làm viên nén năng lượng và chất đốt cho hệ thống nồi hơi của nhà máy, việc này đã giúp Công ty tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng và doanh thu từ sản xuất viên nén năng lượng đã đưa tổng lợi nhuận tăng 2 – 3%.
Hiện tại, Công ty đang liên kết với các công ty trồng rừng địa phương, xây dựng nhà máy viên nén năng lượng sử dụng cành, ngọn và phụ phẩm của các nhà máy chế biến gỗ trong khu vực và các tỉnh lân cận; Thiết lập chuỗi kinh tế lâm nghiệp tuần hoàn khép kín, từ trồng rừng bao tiêu toàn bộ sản phẩm rừng trồng, chế biến sâu các sản phẩm đồ gỗ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Viên nén gỗ được làm hoàn toàn từ phụ phẩm lâm nghiệp như vỏ cây, lá cây, cành cây nhỏ, đầu mẩu gỗ vụn. Nguồn phế – phụ phẩm này được thải ra từ hệ thống các xưởng xẻ, xưởng ván bóc, xưởng dăm… Hiện sức mua của thế giới tăng rất cao trong bối cảnh nhiên liệu hóa thạch ngày càng đắt đỏ và khan hiếm. Nhóm nhiên liệu thay thế có tính chất bảo vệ môi trường như viên nén gỗ có thị trường rất lớn.
Ưu điểm của sản phẩm ngành công nghiệp gỗ là tạo ra sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Khi hết vòng đời, sản phẩm của chuỗi có thể tái tạo vòng đời mới, tạo nguồn năng lượng mới thay thế năng lượng tái tạo hoặc phân hủy nhanh, ít gây ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí làm phân bón hữu cơ cho nông nghiệp và trồng rừng. Bởi vậy, xu hướng của thế giới là sẽ sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng rất mạnh trong thời gian tới.
Viên nén gỗ được làm hoàn toàn từ phụ phẩm lâm nghiệp như vỏ cây, lá cây, cành cây nhỏ, đầu mẩu gỗ vụn (Ảnh: Internet)
Dự báo của các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới tiếp tục tăng, khoảng 250% trong thập kỷ tới, đạt con số 36 triệu tấn từ con số 14 triệu tấn năm 2017, với nhu cầu mở rộng chủ yếu tại các nước Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu mặt hàng này.
Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến gỗ, cần thiết phải đẩy mạnh các ngành kinh tế lâm nghiệp, bao gồm kinh tế trồng rừng, kinh tế công nghiệp chế biến gỗ. Các ngành này phải phát triển mạnh và song song với nhau, trồng rừng và khai thác tới đâu thì tiêu thụ và chế biến sâu tới đó.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp là các chủ rừng, phát triển liên kết trồng, khai thác và chế biến tiêu thụ, để từ đó tạo vòng kinh tế tuần hoàn lớn. Có thể thiết lập khu liên hợp, tổ hợp chế biến gỗ tập trung quy mô lớn; đầu tư, xây dựng các mô hình điểm về kinh tế tuần hoàn trong chuỗi sản xuất, chế biến gỗ phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp…
Trong những năm qua, xử lý phụ phẩm trong lâm nghiệp để sản xuất viên nén gỗ tại Việt Nam phát triển nhanh chóng. Và hiện Việt Nam là nước xuất khẩu viên nén gỗ đứng thứ 2 thế giới, sau Hoa Kỳ. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu viên nén gỗ giai đoạn 2016-2020 cụ thể năm 2016 là 131 triệu USD; năm 2017 là 174 triệu USD; năm 2018 là 387 triệu USD; năm 2019 là 288 triệu USD; năm 2020 đạt 363 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2022 đạt trên 500 triệu USD. |
Tố Quyên