TỰ CHUẨN BỊ ĐỂ ĐÓN XU THẾ HỘI NHẬP KINH TẾ SÂU RỘNG: Doanh nghiệp trong nước có chuyển động, nhưng chậm
TỰ CHUẨN BỊ ĐỂ ĐÓN XU THẾ HỘI NHẬP KINH TẾ SÂU RỘNG:
Nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng sẽ được ký kết giữa Việt Nam với tổng cộng 57 đối tác, trong đó có các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Xuất khẩu với thuế suất 0% sang 57 thị trường này sẽ là thuận lợi lớn, tuy nhiên thách thức cũng không nhỏ khi phải cạnh tranh với các DN nước ngoài dự báo sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam trong thời gian tới.
Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (CCN Ngãi Giao, huyện Châu Đức) là doanh nghiệp nước ngoài chuyên về dệt vải sợi đã đầu tư thêm xưởng sản xuất để gia tăng năng lực cạnh tranh khi hội nhập sâu. |
Nước đã đến chân
Năm 2015, Việt Nam sẽ thực hiện các cam kết theo các Hiệp định mới ký kết gồm: FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan. Đồng thời, tiếp tục đàm phán FTA Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN. FTA Việt Nam – Hàn Quốc là Hiệp định thương mại tự do được ký kết gần đây nhất. Theo nội dung FTA được ký, Hàn Quốc tự do hóa hơn 95% số dòng thuế nhập khẩu các loại sản phẩm từ Việt Nam, trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như: trái cây, tôm, cua, cá, đồ gỗ, hàng dệt may, sản phẩm cơ khí. Đây cũng là những sản phẩm BR-VT có thế mạnh (dệt may, sản phẩm cơ khí, trái cây, tôm…). Ngược lại, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế quan gần 90% dòng thuế từ Hàn Quốc xuất khẩu sang.
Việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan sẽ thúc đẩy các DN đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, tận dụng các lợi thế so sánh của Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng nông thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ… Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi sẽ không tránh khỏi những tác động bất lợi không nhỏ đối với các DN Việt Nam, đặc biệt là DN của tỉnh – phần lớn là các DN nhỏ và vừa. Trong đó, đáng chú ý là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về dịch vụ, đầu tư của các nước sẽ dẫn đến một số ngành, sản phẩm phải thu hẹp sản xuất. Trong các ngành hàng chịu sức ép cạnh tranh khi hội nhập sâu rộng thì sắt thép là mặt hàng dự báo bị ảnh hưởng nhiều nhất. Lãnh đạo một DN sản xuất thép trên địa bàn tỉnh cho biết, ngay tại thời điểm này, thép nội đang phải căng sức cạnh tranh với thép Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng 30% về lượng. Đánh giá của Sở Công thương cũng cho thấy, sự phát triển ồ ạt của ngành thép trên địa bàn tỉnh đang gây tình trạng mất cân đối: thừa thép xây dựng nhưng lại thiếu thép công nghệ cao cấp, chủng loại chưa phong phú.
Trong quá trình hội nhập, sắt thép là mặt hàng được dự báo sẽ gặp phải sức cạnh tranh lớn nhất từ hàng nhập khẩu của nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Nhà máy thép Đồng Tiến (huyện Tân Thành). |
DN cần chủ động hội nhập
Mặc dù đã có các DN mạnh dạn tái cơ cấu, tăng đầu tư, xây dựng thương hiệu tại thị trường nội địa và vươn ra xuất khẩu, nhưng con số này không nhiều và tập trung chủ yếu ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam, 100% vốn của Đài Loan chuyên về dệt vải sợi, đóng tại CCN Ngãi Giao (huyện Châu Đức) là một ví dụ. Có mặt tại BR-VT 5 năm, nhưng 3 năm qua DN này đã liên tiếp tăng vốn đầu tư mở rộng xưởng sản xuất. Các nhà máy về dệt vải cũng được tăng tốc xây dựng tại KCN Mỹ Xuân A2 (huyện Tân Thành) và Sonadezi (Đồng Nai). Tính đến nay, đây là một trong những nhà đầu tư sợi có quy mô lớn nhất tại BR-VT, đạt tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, công suất gần 50.000 tấn sợi/năm. Ông G.Narasimha Rao, Giám đốc tài chính công ty cho biết, riêng năm 2015, công ty tiếp tục tăng vốn đầu tư 10 triệu USD xây dựng thêm 1 xưởng sợi tại CCN Ngãi Giao với công suất 350 tấn/tháng. “Thời gian qua Việt Nam ký kết nhiều FTA quan trọng, cam kết mở cửa thị trường. Đây là một lợi thế lớn nhưng thách thức cũng không ít, nhất là các DN ngành may mặc, giày da, dệt sợi. Do đó DN buộc phải tăng tốc đầu tư, hình thành chuỗi sản xuất liên kết từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm. Do đó, công ty phải tăng vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, gia tăng năng lực cạnh tranh khi các FTA được ký kết’’, ông G. Narasimha Rao cho hay.
Trong khi đó, các DN trong nước cũng bắt đầu chuyển động, nhưng chậm hơn so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là một hạn chế khi cánh cửa thị trường Việt Nam rộng mở, các DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam sẽ khiến cho năng lực cạnh tranh của các DN trong nước bị “lép vế” nếu không tự đổi mới… Các DN nhỏ và vừa lại tỏ ra khá “thờ ơ” với các FTA do năng lực hạn chế, thiếu vốn, thiếu nhân lực. Do vậy, đây là lúc mà các cơ quan quản lý Nhà nước và cả các DN cần phải tăng cường hơn nữa để không ngừng cải thiện năng lực kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu để đủ sức cạnh tranh với DN các nước trong khu vực. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương năm 2015, ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, năm 2015, cơ hội và thách thức đan xen nhau khi chúng ta triển khai chủ trương tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ; đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh; việc hình thành cộng đồng Asean năm 2015, triển khai Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương; các FTA với EU… “Do vậy, ngành công thương cần tập trung cho phát triển kinh tế mũi nhọn là công nghiệp phụ trợ, triển khai hiệu quả Chiến lược xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của DN, theo dõi, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh, thực hiện có hiệu quả kế hoạch Hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh”, ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.
Theo Báo BRVT
ÔNG NGUYỄN VĂN QUÝ, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP MAY XUẤT KHẨU VŨNG TÀU:
Khó hưởng lợi nếu chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu
Khi Việt Nam tham gia các FTA, mặc dù cơ hội cho ngành dệt may được rộng mở nhưng bên cạnh đó cũng không ít khó khăn. Đặc biệt, quy tắc xuất xứ của hàng sẽ đòi gắt gao hơn, cụ thể như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là từ sợi trở đi, còn FTA khác là từ vải. Xuất xứ hàng hóa (trong nội khối) Việt Nam chưa đáp ứng, nguyên phụ liệu không tự chủ được. Đây là một trở ngại bởi muốn được hưởng thuế suất bằng 0 các DN phải nhập nguyên phụ liệu trong khối TPP. Cụ thể như DN chúng tôi, 95% nguyên liệu vải phải nhập từ Trung Quốc và đây cũng là thực trạng tại các DN ngành dệt may khác trong tỉnh. Hiện nay, các thông tin về đàm phán, ký kết các FTA cũng chưa được rộng rãi để các DN chủ động chuẩn bị các điều kiện tận dụng tốt cơ hội từ FTA.
………………………………………………………………….
ÔNG TRẦN VĂN DŨNG, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP XUẤT NHẬP KHẨU THỦY SẢN (BASEAFOOD):
Chuyển hướng sản xuất, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng
Việc ký hiệp định FTA và TPP sẽ là cơ hội cho DN thủy sản mở rộng thị trường. DN có thể mua được nguyên liệu từ các nước để gia công, chế biến xuất khẩu sang EU và các nước tham gia TPP. Do vậy, Công ty đang cố gắng khai thác các thế mạnh như tự làm CO (chứng nhận nguồn gốc xuất xứ), chú trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng, đầu tư công nghệ để sản xuất, chế biến các sản phẩm đạt chuẩn về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của các nước. Ngay từ đầu năm 2015, Công ty đã đầu tư 1 triệu USD để xây dựng xưởng sản xuất mới, mua sắm trang thiết bị, công nghệ mới tiên tiến, hiện đại nhất của châu Âu, nâng công suất tăng gấp rưỡi, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng như cá nướng, cá tẩm bột, cắt lát với nguyên liệu nhập từ nước ngoài, xuất sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản.
………………………………………………………………….
ÔNG PARK SANG HUYP, GIÁM ĐỐC CƠ QUAN XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI HÀN QUỐC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH (KOTRA):
Sẽ có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam
Hiện các DN của Hàn Quốc có nguồn lực khá tốt có xu hướng đầu tư ra nước ngoài. Khi các dòng thuế được cắt giảm, những nhà đầu tư nhìn thấy lợi thế sẽ đổ vốn vào Việt Nam. Không có gì đáng ngạc nhiên khi lĩnh vực điện và điện tử thu hút đến khoảng 85% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam. Ngành dệt may dự báo tiếp tục thu hút nhiều vốn từ Hàn Quốc vì viễn cảnh tươi sáng nhờ Hiệp định TPP và các FTA khác gồm: FTA Việt Nam – EU và FTA Việt Nam – Hàn Quốc. Hiện Hàn Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến năm 2014 với 4.110 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 37 tỷ USD. Tại BR-VT, tính đến năm 2014 có 53 dự án đầu tư Hàn Quốc vào tỉnh, đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Các nhà đầu tư thành công tại đây phải kể đến những tên tuổi lớn như Thép Posco, Lock&Lock, Trung tâm thương mại Lotte Vũng Tàu. Chúng tôi cũng đang giúp cho các nhà đầu tư tiềm năng, giúp họ mở rộng thị trường trong thời gian tới.
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: