Về hỗ trợ ứng dụng thay đổi máy móc thiết bị trong hoạt động khuyến công.
Sáu tháng đầu năm 2014, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ, các doanh nghiệp cũng như cơ sở sản xuất từng bước tìm hướng đi mới để tiêu thụ sản phẩm; đồng thời cải tiến máy móc thiết bị, công nghệ, giảm chi phí quản lý để duy trì và ổn định sản xuất.
Tuy nhiên việc tăng trưởng của doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: thị trường thu hẹp, chi phí đầu vào tăng, nhưng giá đầu ra không tăng, khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập… cần được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều hơn từ các Sở ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Sở Công Thương đã tổ chức các chương trình như: đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ, tổ chức Hội chợ Công nghiệp – Thương mại Bà Rịa – Vũng Tàu, …..
Song song với các hoạt động trên, hoạt động khuyến công của tỉnh thời gian qua như: giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua việc tham dự hội chợ triễn lãm, tổ chức tuyên truyền thông qua bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hàng năm, các chương trình hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị, các chương trình đào tạo nghề cho người lao động nông thôn,…,đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn. Trong năm 2014, khuyến công tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được Bộ Công Thương (5680/QĐ-BCT ngày 25/6/2014) và UBND tỉnh (2216/QĐ-UBND ngày 03/10/2013) giao thực hiện 37 đề án khuyến công với tổng kinh phí khoảng 6,35 tỷ đồng. Trong đó 33 đề án khuyến công địa phương với kinh phí khoảng 5,79 tỷ đồng, 04 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí 560.000.000 đồng. Nội dung các đề án chủ yếu tập trung vào các chương trình như: Chương trình đào tạo lao động kỹ thuật phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ; Chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chương trình đào tạo nghề,…..
Trong các chương trình khuyến công của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu những năm vừa qua, thì chương trình khuyến công về hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị mới vào sản xuất và các chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật thường chiếm tỷ lệ lớn trong các chương trình khuyến công hàng năm, cụ thể như: năm 2012 chiếm 11/27; năm 2013 chiếm 17/39 và năm 2014 chiếm 21/33. Thông qua các chương trình, đề án khuyến công về hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị đã có một số cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn tỉnh, được hỗ trợ kinh phí để đầu tư, mua sắm máy móc thiết bị mới phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhờ đó các cơ sở có điều kiện nâng cao được năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa,……
Mặc dù các chương trình khuyến công về hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị mới vào sản xuất thời gian qua đã hỗ trợ cho nhiều cơ sở sản xuất CNNT có điều kiện đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, trong số những cơ sở được hỗ trợ, có một vài cơ sở vẫn đầu tư thiết bị, công nghệ cũ, nên chưa đáp ứng được mục đích của hoạt động khuyến công; mặt khác do các hoạt động khuyến công cũng mới được triển khai trong những năm gần đây, nên trong thời gian đầu còn hỗ trợ cả những cơ sở sản xuất thuộc ngành nông nghiệp (cơ sở sấy lúa, sấy thuốc lá,….). Vì vậy, trong thời gian tới, các chương trình khuyến công về hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cần phải tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất CNNT thuộc ngành công nghiệp, các cơ sở được hỗ trợ phải đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới so với máy móc thiết bị, công nghệ hiện có, để đáp ứng đúng mục tiêu của hoạt động khuyến công.
Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay thì nguồn kinh phí khuyến công hộ trợ cho các cơ sở sản xuất CNNT, thực sự là một sự động viên lớn đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp an tâm, ổn định sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mới máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất. Qua đó, giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm qua đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: