Xóa bỏ “ma trận” giấy tờ, thủ tục trong kinh doanh
Loại bỏ các giấy phép con sẽ góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Việt Kim (huyện Đất Đỏ) trong giờ sản xuất. |
Từ ngày 1-7, giới DN vô cùng phấn khởi vì hàng loạt Nghị định về điều kiện kinh doanh do Chính phủ ban hành đã loại bỏ được hàng ngàn giấy phép con bất hợp lý. Điều này sẽ tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng, giúp DN phát triển.
Trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua, nhiều Nghị định về điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ ban hành như: Nghị định 60/2016/NĐ-CP về một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Nghị định 63/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; Nghị định 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, giống cây trồng, nuôi động vật rừng thông thường, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm; Nghị định 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe;…
Tại các Nghị định nêu trên, nhiều điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho DN. Cụ thể, tại Nghị định 66/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, ba ngành nghề: kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát; củi và than hồng; ngư cụ trong đánh bắt thủy sản không còn thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, các điều kiện kinh doanh chung chung, không rõ ràng trong lĩnh vực sơ chế, chế biến thực phẩm như: khu vực sản xuất không bị ngập nước, đọng nước, không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật, nhà xưởng phải đủ diện tích, phù hợp, đủ nước sạch, trang thiết bị đủ, phù hợp… cũng đã được loại bỏ và được sửa đổi theo hướng cụ thể, minh bạch, rõ ràng hơn. “Các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu các tiêu chí cụ thể như một “ma trận”, cản trở các doanh nghiệp trong việc khởi nghiệp, kinh doanh. Nhiều người muốn khởi nghiệp hoặc muốn kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm nhưng không biết điều kiện của mình phù hợp tới đâu để thực hiện. Việc xóa bỏ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong hoạt động kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Kiến Việt (TP.Bà Rịa), đơn vị chuyên kinh doanh về rau củ quả, thực phẩm nói.
Tại Nghị định 63/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cũng đã bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh theo hướng tạo môi trường “dễ thở” hơn cho DN. Cụ thể, Nghị định đã bỏ quy định “nhà văn phòng của đơn vị đăng kiểm phải có diện tích tối thiểu 90m2”. Quy định “đăng kiểm viên phải dừng việc tham gia kiểm định trong trường hợp giấy chứng nhận đăng kiểm viên bị mất, hư hỏng” cũng được bãi bỏ. Ngoài ra, Nghị định này cũng đã bỏ nội dung “đơn vị đăng kiểm phải dừng hoạt động trong trường hợp giấy chứng nhận đủ điều kiện bị mất, bị hỏng”…
Cộng đồng DN cũng rất hoan nghênh một số quy định mới như: khi doanh nghiệp bổ sung ngành nghề kinh doanh, cơ quan quản lý không còn phải cấp lại giấy phép như trước nữa… “Quy định này sẽ giúp giảm thời gian chờ của doanh nghiệp và giảm các chi phí in ấn, giấy tờ”, đại diện Hội Doanh nhân trẻ TP.Vũng Tàu cho biết.
Nhiều chính sách mới được ban hành tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Hải Việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu). Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Liên quan đến quy định tăng cường hậu kiểm thay cho tiền kiểm, đại diện Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản BR-VT (Baseafood) cho hay, thời gian qua, DN hết sức khổ sở với chủ trương “kiểm trước hoàn sau” với thuế GTGT của cơ quan nhà nước. Việc này gây cho DN rất nhiều khó khăn do thời gian kiểm tra để hoàn thuế bị kéo dài, khiến DN phải chờ lâu, khó tập trung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Hi vọng với chủ trương tăng cường hậu kiểm thay cho tiền kiểm trong hàng loạt các chính sách mới, cùng với cải cách hành chính thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh” – đại diện Baseafood nói.
Tuy nhiên, các DN cũng phản ánh, mặc dù đã có Luật Doanh nghiệp và các Nghị định mới ban hành, nhưng DN còn “vướng” một số thủ tục hành chính. Đơn cử như vấn đề cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, Công ty Vard Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, hoạt động trên lĩnh vực đóng tàu biển, sản xuất chế tạo cơ khí) kiến nghị: theo quy định mới hiện hành, trong 7 ngày sau khi DN gửi hồ sơ xin giấy phép lao động cho người nước ngoài thì cơ quan chức năng có thẩm quyền phải giải quyết. Tuy nhiên, do vướng nhiều thủ tục nên việc giải quyết hồ sơ thường chậm trễ, chưa trường hợp nào DN nhận được giấy phép lao động đúng hạn, dẫn đến một số lao động nước ngoài không được cấp VISA, vô tình trở thành lao động chui.
Ngoài ra, một số DN kinh doanh gas cho biết, theo quy định tại Nghị định 19 về kinh doanh khí, DN kinh doanh khí vẫn còn bị nhiều ràng buộc về các điều kiện kinh doanh, ví dụ như quy định về việc “bán đúng giá” khiến doanh nghiệp bị cơ quan thuế “hành”. Nguyên nhân là do giá các công ty đầu mối công bố là giá bán lẻ, trong khi DN bán sỉ thì giá phải thấp hơn. Do vậy, các DN kinh doanh khí kiến nghị nhà nước chỉ nên yêu cầu DN không bán vượt giá đăng ký, chứ không nên quy định “cứng” là bán đúng giá, như vậy sẽ gây khó cho DN.
Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu.
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: