4 nguyên tắc vàng giúp bảo hộ nhãn hiệu
Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu dùng phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh khác nhau và được coi là một loại tài sản vô hình của doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để tăng khả năng bảo hộ cho nhãn hiệu là vấn đề chủ sở hữu nhãn hiệu cần quan tâm.
Thực tế cho thấy, mỗi DN thường có ít nhất một nhãn hiệu và có DN sở hữu tới hàng chục, thậm chí hàng trăm nhãn hiệu, như Vinamilk, Unilever, Honda… Mỗi năm, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) nhận gần 10 ngàn đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, trong khi nguyên tắc bảo hộ cơ bản của đối tượng này là phải có khả năng phân biệt với hàng hóa, dịch vụ của người khác. Do vậy, DN càng nộp đơn sau thì “tỷ lệ chống chọi” với các đối chứng nộp trước càng lớn.
Đó là chưa kể rất nhiều DN nộp đơn đăng ký nhưng bị từ chối sau khoảng thời gian dài chờ đợi, ít nhất là 12 tháng, gây không ít tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc. Dưới đây là những việc DN cần làm để bảo hộ nhãn hiệu của mình
Thứ nhất, nắm chắc danh mục đối tượng không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu. Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ 5 loại dấu hiệu không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu nếu trùng hoặc tương tự, gây nhầm lẫn với các dấu hiệu sau đây:
1. Hình quốc kỳ, quốc huy của các nước. Bởi lẽ các dấu hiệu này thuộc sở hữu của nước đó, không thể bảo hộ độc quyền cho người khác nữa. Do vậy, khi thiết kế cần tránh mô phỏng các dấu hiệu này.
2. Biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế. Ví dụ, biểu tượng dấu “+” của Hội Chữ thập đỏ, hay biểu tượng con rắn trong ngành y của Bộ Y tế… nếu không được các cơ quan, tổ chức này cho phép.
3. Tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài. Điều này là đương nhiên vì các dấu hiệu đó là của riêng họ, thuộc sở hữu của cá nhân đó.
4. Dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận. Ví dụ, DN không nên thiết kế nhãn hiệu tương tự dấu chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.
5. Làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ, không nên thiết kế nhãn hiệu “Bánh mì Pháp” nếu sản phẩm bánh mì đó không có nguồn gốc từ Pháp.
Thứ hai, phải làm cho nhãn hiệu có khả năng phân biệt. Để nhãn hiệu có khả năng phân biệt thì DN cần chú ý 3 yếu tố: dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không rơi vào 13 trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ” (Quy tắc 313). Ví dụ:
– Hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, ngôn ngữ không thông dụng. Chẳng hạn như nhãn hiệu chỉ là hình tam giác, chữ ABC… thì sẽ không có khả năng phân biệt. Trong thực tế, có nhãn hiệu bia 333 hay thuốc lá 555 chẳng hạn, là do các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu nên sẽ được bảo hộ.
– Biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến. Chẳng hạn dép Lào, dao Thái Lan
– Mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh. Chẳng hạn như hợp danh, trách nhiệm hữu hạn…
Thứ ba, tra cứu sơ bộ trước khi nộp đơn. Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu luôn được cập nhật và nhiều lên mỗi ngày, kể cả trong nước và quốc tế. Do vậy, chủ sở hữu càng chậm nộp đơn thì sẽ có nhiều đối chứng từ chối hơn.
Để tránh bị từ chối vì xung đột với bên thứ ba, DN cần xem xét nhãn hiệu dự định đăng ký có thuộc sở hữu của người khác chưa, hoặc có người khác nộp đơn đăng ký trước hay chưa.
Việc tra cứu sơ bộ này khá đơn giản. Chủ sở hữu có thể truy cập vào hai nguồn dữ liệu công khai trong nước tại địa chỉ:
http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php, hoặc quốc tế tại địa chỉ:
http://www.wipo.int/romarin/search.xhtml;jsessionid=B3BAFED286C9DB9C0F028EB9AF7ECC2A.
Nếu thấy đã có nhãn hiệu trùng hoặc tương tự thì cần điều chỉnh, hoặc thiết kế lại nhãn hiệu mới.
Cuối cùng, sáng tạo trong thiết kế là rất quan trọng. Để tạo tính phân biệt, chủ sở hữu cần có những thủ thuật thiết kế biến những điều không có khả năng bảo hộ thành có khả năng bảo hộ.
Thông dụng nhất vẫn là cách điệu hoặc viết liền nhau để tạo thành cụm chữ mang tính phân biệt. Thực tế, nhiều DN chọn cách viết tắt của hai chữ đầu tiên như CASUMINA (Cao su Miền Nam), Cocha Micha (Cơm chảo, Mì chảo)…, hoặc thêm các hình vẽ, màu sắc… vào chữ cái để tạo tính phân biệt cao.
Một điều DN cần lưu ý là trong quá trình thẩm định đơn, ngoài các nguyên tắc căn bản được luật định và cụ thể hóa thông qua các quy chế thẩm định của Cục SHTT, vẫn còn một góc nhỏ cho quan điểm đánh giá của thẩm định viên.
Do vậy, khi bị từ chối bảo hộ, DN có thể nhờ các đơn vị tư vấn chuyên sâu về SHTT xem xét, đánh giá việc từ chối đó có thuyết phục hay không để làm đơn phản đối. Thực tế có rất nhiều trường hợp Cục SHTT đã cấp văn bằng cho chủ đơn sau khi họ phản hồi lại ý kiến từ chối của Cục SHTT.
Theo doanhnhansaigon.vn
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: