7 bí quyết thuyết trình thành công
Nick Morgan – tác giả sách, nhà huấn luyện diễn thuyết nổi tiếng người Mỹ mới đây đã giới thiệu 7 bí quyết thuyết trình thành công trước công chúng, được đăng tải trên Forbes:
1. Hạn chế dùng slide
Việc ghi sẵn nội dung trình bày lên slide thuyết trình là cách cơ bản đối với nhiều người nhưng theo Morgan, ông khuyên mọi người không nên sử dụng chúng như hình nền hay cho chiếu xuyên suốt trong lúc trình bày.
Thay vào đó, hãy cố sử dụng chúng một cách “tiết kiệm” nhất, chỉ dùng khi có một hình ảnh minh họa độc đáo hay phần đó thực sự cần cho bài phát biểu.
Vậy thời gian còn lại, bạn nên chiếu thứ gì? Hãy đặt một slide màu đen giúp khán giả có thể tập trung hoàn toàn vào bạn và không phân tán sự chú ý giữa màn hình và loa.
2. Kiểm soát nội dung trình bày
Một trong những điều tử tế nhất mà một nhà diễn thuyết có thể làm đối với khán giả là để họ biết bạn đang nói đến đâu trong nội dung thuyết trình.
Do vậy, bạn nên đánh số các vấn đề và giới thiệu chúng rõ ràng với khán giả. Đồng thời, có thể nói với họ rằng bạn đã trình bày được một nửa nội dung thông qua câu nói như: “Tôi xin phép tạm ngưng giữa bài thuyết trình một lát để xem có ai muốn hỏi gì không”…
3. Truyền “lửa” đam mê
Một trong những cách tốt nhất giữ cho bài thuyết trình được thú vị là khiến khán giả cảm nhận được niềm đam mê của bạn – không phải về những thứ chung chung mà là những khoảnh khắc tạo sự xúc động, trái ngược với hình ảnh bình tĩnh trước đó mà bạn đã thể hiện.
Diễn giả truyền cảm hứng nổi tiếng Nick Vujicic |
Bởi sau một thời gian trình bày, các bài diễn thuyết đều bắt đầu trở nên giống nhau, nên việc tạo ra sự đối lập chính là cách khiến người khác ghi nhớ.
4. Nói những thứ người khác chưa biết, nhưng đừng kể hết mọi thứ bạn biết
Theo Morgan, khán giả thích việc học hỏi một chút kiến thức chuyên ngành hay nghe những sự thật ít ai biết về một câu chuyện nổi tiếng nào đó.
Nhà báo, phát thanh viên huyền thoại Paul Harvey – người khiến hàng triệu thính giả Mỹ say mê nhờ vào cách dẫn ngắt quãng đặc trưng “Và bây giờ… đến phần cuối câu chuyện”, cùng những sự thật nho nhỏ ít người biết đến thường được ông kể thêm vào những câu chuyện quen thuộc của các nhân vật lịch sử hay người nổi tiếng.
Ngày nay, nhiều diễn giả thích nhồi nhét thông tin cho người nghe trong khi họ không biết người khác chỉ thích những thông tin được tiết lộ “nhỏ giọt”. Do đó, kiểm soát thông tin là một điều rất quan trọng trong quá trình thuyết trình.
5. Tạo cảm giác hồi hộp ngay lúc bắt đầu
Kỹ thuật này đã được Dan Brown – nhà văn Mỹ nổi tiểng với tác phẩm Mật mã Da Vinci sử dụng thành công, và nó cũng sẽ hữu ích với bạn.
Hãy thử giới thiệu điều gì đó đặc biệt trước khi bắt đầu bài thuyết trình, ví dụ: “Trong một phút, tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm tăng giá trị tài sản của mình lên gấp đôi chỉ trong 6 tháng bằng một thủ thuật đơn giản” – và dẫn vào bài nói thông qua lời hứa đó.
Tuy nhiên, Morgan cũng cảnh báo mọi người không nên lạm dụng kỹ thuật này và đừng đưa ra bất kỳ cam kết trái luật nào liên quan đến việc bán gia tăng sản phẩm tới khách hàng (upsell), hay hứa hẹn “giúp gia tăng chỉ số IQ của bạn nếu bạn mua những khóa học mà tôi đang bán”… Làm vậy tức là bạn đang lợi dụng mối quan hệ giữa người nói và người nghe.
6. Tận dụng sự hào phóng
Theo Morgan, thể hiện sự hào phóng cũng là một cách giúp bài thuyết trình của bạn được thành công thông qua việc khen ngợi đối thủ, thử cho đi thứ gì đó, đồng ý giúp đỡ miễn phí, hay đơn giản nhất là chia sẻ sự chú ý với một khán giả trong phòng.
Luôn có rất nhiều cách để bạn trở nên hào phóng trên sâu khấu, và có không ít diễn giả đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả bởi sự hào phóng của mình.
Trong thời gian thuyết trình, bạn là một người hùng, và những người hùng thì luôn “chơi đẹp” với người khác. Đó là một phần trong cách mọi người định nghĩa về bạn.
7. Kết thúc bài thuyết trình sớm 2 phút
Và chìa khóa giúp bạn kết thúc đúng thời điểm chính là tập dợt trước. Chỉ bằng cách diễn tập thực sự, bạn mới có thể hình dung chính xác bài thuyết trình sẽ diễn ra như thế nào và nó sẽ kết thúc trong bao lâu.
Tiến sĩ Botle-Taylor, một trong những nhà diễn thuyết quen thuộc tại hội nghị TED cho biết bà đã tập bài thuyết trình đến 200 lần trước khi truyền tải chính thức đến khán thính giả |
Không ai hy vọng bài phát biểu kéo dài lâu nhưng bạn cũng không muốn kết thúc chúng quá sớm hay phải “câu giờ” khiến ban tổ chức chương trình lo lắng. Cách tốt nhất là hãy kết thúc bài phát biểu sớm hơn khoảng 2 phút và trước đó nên tập dợt kỹ càng.
Theo DNSG Online
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: