Design Thinking – lối tư duy thành công cho nhà lãnh đạo
Design Thinking là lối tư duy tiếp cận đang dần trở nên phổ biến và được nhiều lãnh đạo toàn cầu sử dụng.
Làm sao một người lãnh đạo có thể kiểm soát được những sự thay đổi liên tục, đi cùng kỳ vọng cao từ khách hàng, trong bối cảnh tương lai không thể đoán được? Có một phương pháp được nhiều doanh nghiệp toàn cầu, như Pepsi, Nike, Apple và Google áp dụng để phát triển năng lực lãnh đạo cho nhân sự.
Đó chính là Design Thinking (tạm dịch: Tư duy thiết kế).
Design Thinking khởi đầu là những biểu tượng thị giác dẫn đến giải pháp mong muốn. Nói cách khác, đó là lối tư duy theo hướng liên kết các mảnh ý tưởng để tạo thành một giải pháp khả thi cho vấn đề cần giải quyết.Dưới đây, Apoorve Dubey sẽ phân tích 10 bài học lãnh đạo mà các doanh nghiệp có thể tích lũy được từ Design Thinking.
Apoorve Dubey là nhà sáng lập và CEO của Kreyon Systems, một công ty phần mềm đang tăng trưởng nhanh với số lượng khách hàng hiện diện tại 10 quốc gia. Ông tốt nghiệp Đại học IIT Madras, và là tác giả của quyển sách bán chạy The Flight of Ambition (tạm dịch: Chuyến bay tham vọng), đồng tác giả quyển Successful organisations in action (tạm dịch: Thực tế từ các tổ chức thành công).
1. Tư duy tập trung vào giải pháp
Design Thinking giúp các lãnh đạo phát triển tư duy lấy giải pháp làm trung tâm. Lối tư duy này nhấn mạnh vào việc xác định và phân tích vấn đề cốt lõi, từ đó đưa ra giải pháp tốt nhất. Các doanh nghiệp lẫn đội nhóm hiện tại đều đang tìm kiếm những vị lãnh đạo có tư duy theo hướng này.
Những lãnh đạo xuất sắc nhất hiểu rằng họ sẽ tạo ra uy tín của bản thân bằng cách liên tục đưa ra những giải pháp cho các vấn đề phức tạp. Họ sẽ giải quyết các mâu thuẫn, xử lý các vấn đề và ủng hộ các ý tưởng tạo ra khác biệt.
2. Kết nối những dấu chấm
Các nhà lãnh đạo cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh để kết nối những ý tưởng rời rạc và cân nhắc vấn đề trong tương quan với bối cảnh rộng lớn hơn. Design Thinking sẽ giúp bạn phác thảo ra bức tranh toàn cảnh của vấn đề, thử thách cũng như các giải pháp mong đợi. Đây là một cách tốt để các nhà lãnh đạo có thể nắm bắt được toàn cảnh những vấn đề trừu tượng.
Ngoài ra, người lãnh đạo còn có thể phác thảo ra sơ đồ liên kết giữa những dự đoán, các thử thách, tình trạng hiện tại của vấn đề và cả mục tiêu muốn đạt đến. Từ sơ đồ này, họ có thể điều chỉnh để đội ngũ của mình đi theo đúng hướng.
3. Đồng cảm và gắn kết
Lãnh đạo bắt đầu bằng sự đồng cảm. Để có được sự tín nhiệm từ các nhân viên, khách hàng hay đối tác, người lãnh đạo cần phải cho thấy sự đồng cảm và thấu hiểu về nhu cầu của đối phương. Khi bạn chăm sóc cho nhân viên, khách hàng và các đối tác liên quan, họ cũng sẽ quan tâm đến bạn.
Design Thinking bắt đầu tìm giải pháp từ chính tư duy của người trực tiếp dùng sản phẩm. Hướng tiếp cận này tạo ra xu hướng tư duy bằng sự đồng cảm và gắn kết mọi người.
5 giai đoạn áp dụng Design Thinking vào thiết kế giải pháp |
4. Thường xuyên nhận phản hồi để không ngừng cải tiến
Phương pháp Design Thinking bao gồm sự thử nghiệm và thu thập liên tục phản hồi từ người dùng để tiếp tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ. Các phản hồi là yếu tố quan trọng để phát triển và hoàn thiện giải pháp. Vì giải pháp có thể phù hợp hôm nay nhưng lại trở nên vô dụng vào hôm sau. Vì vậy, người lãnh đạo cần bám sát thực tế và đảm bảo có những thay đổi phù hợp.
Tương tự, người lãnh đạo cần dành thời gian phản hồi thường xuyên để cải tiến sản phẩm, dịch vụ lẫn nhân viên của mình. Tư duy cải tiến không ngừng và nuôi dưỡng sự phát triển là yếu tố cần thiết để thành công.
5. Tư duy cởi mở
Design Thinking khuyến khích thử nghiệm, sáng tạo và cách tân. Khi làm việc với nhiều concept, ý tưởng khác biệt, người lãnh đạo cần có một tư duy cởi mở để tạo ra môi trường khuyến khích thử nghiệm và học hỏi. Họ sẽ tạo nên những nhân tố lẫn đội nhóm tự hào về công việc đang làm.
Những lãnh đạo có tư duy mở cũng sẽ không ngừng tìm kiếm các cách thức cải thiện công việc, vì họ chào đón mọi ý tưởng khác biệt có khả năng thách thức, mở rộng tư duy của họ nhiều hơn.
6. Trao quyền và cùng sáng tạo
Design Thinking trao quyền để mọi thành viên đều có thể góp sức hiệu quả cho công việc chung. Phương pháp này khuyến khích cả nhóm hợp tác và tạo ra hiệu ứng đoàn kết trong nội bộ nhân viên.
Khi mọi người đều có quyền bày tỏ ý kiến trong quá trình phát triển sản phẩm / dịch vụ, toàn nhóm sẽ cảm nhận được sự trao quyền từ người lãnh đạo. Khi đó, toàn đội sẽ có trách nhiệm với kết quả và cảm thấy bản thân từng người đều đang sở hữu dự án này.
Các nhà lãnh đạo có thể dùng Design Thinking để lắng nghe nhân viên, tạo cảm hứng để họ đóng góp ý tưởng, và trao quyền lẫn cơ hội để họ tạo ra khác biệt từ ý tưởng đó.
7. Cảm quan về mục tiêu
Trong kỷ nguyên của sự xao nhãng hiện tại, giữ cho toàn đội tập trung là điều khá thử thách cho người lãnh đạo. Mọi người sẽ tập trung và làm việc năng suất hơn khi mỗi người biết được họ đang làm điều gì, và vì sao họ phải làm điều đó.
Người lãnh đạo có thể áp dụng Design Thinking để làm sáng tỏ cũng như kết nối hình dung của cá nhân vào bức tranh chung của tập thể. Một lãnh đạo xuất sắc có khả năng truyền thông hiệu quả mục đích lẫn sứ mệnh của công việc hiện tại, nhằm kết nối mọi người thành một khối. Đội ngũ nhân viên sẽ đạt được mục tiêu khi họ nhận được các thông điệp rõ ràng và đồng nhất từ cấp quản lý.
8. Xử lý bất ổn
Xử lý những thay đổi không dễ thực hiện. Và câu chuyện càng trở nên khó khăn hơn khi bạn không biết được mọi chuyện sẽ thay đổi như thế nào. Trong thế giới dẫn dắt bởi công nghệ, các công ty cần chuẩn bị kỹ để đối diện với đối thủ kinh doanh lẫn những cải tiến kỹ thuật số chưa từng có trước đó.
Với Design Thinking, người lãnh đạo có thể đánh giá các lựa chọn, nhìn thấy bức tranh lớn và đưa ra quyết định tốt nhất. Design Thinking là một chiến lược dựa trên thử nghiệm, phản hồi và không ngừng cải tiến để xử lý sự thay đổi của hoàn cảnh thực tế.
9. Quyết đoán
Người lãnh đạo cần ra quyết định cho mọi tình huống. Trong một số trường hợp, các quyết định đưa ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân viên hoặc toàn tổ chức. Design Thinking giúp lãnh đạo cải thiện khả năng ra quyết định bằng cách cung cấp những lựa chọn thay thế, đi cùng bức tranh toàn cảnh của vấn đế. Nhà lãnh đạo có thể dễ dàng vượt qua định kiến của bản thân và đưa ra các quyết định phù hợp khi họ có trong tay đa dạng lựa chọn.
Design Thinking hiện đang được áp dụng trong nhiều mảng khác nhau của một công ty nhằm giúp đội ngũ quản lý đưa ra các quyết định chiến lược.
10. Kiên định
Nhà lãnh đạo xuất sắc là người kiên định. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ cho đến khi đạt được mục tiêu. Design Thinking là một hành trình đòi hỏi người áp dụng phải kiên định. Đó là quá trình cải tiến để hoàn hảo giải pháp. Quá trình này sẽ tôi luyện người lãnh đạo khả năng quan sát những yếu tố bổ sung, thử nghiệm và kiên nhẫn cho đến khi đạt được kết quả như ý.
Tóm lại, lãnh đạo là quá trình học hỏi. Người lãnh đạo học từ quá khứ, quan sát hiện tại và chấp nhận mọi sự thay đổi trong tương lai. Design Thinking đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo ra những nhà lãnh đạo sáng tạo của tương lai.
Nhà lãnh đạo xuất sắc là người có khả năng xây dựng đội ngũ vững mạnh, xử lý các vấn đề phức tạp, có khả năng thấu hiểu và không ngừng giải phóng tư duy để tạo ra giá trị cho mọi người.
Design Thinking là một trong những phương pháp tư duy hiệu quả, kết hợp trí tuệ của từng cá nhân tạo nên trí tuệ tập thể.
Theo doanhnhansaigon.vn
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: