Sự ủng hộ của người tiêu dùng dường như chưa đủ động lực giúp sản phẩm giày, dép made in Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội địa khi sản xuất hàng nội địa đòi hỏi đầu tư lớn, nguy cơ tồn kho cao trong khi đó quy mô thị trường lại nhỏ.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày Việt Nam: Hàng năm, lượng tiêu thụ sản phẩm giày, dép trên thị trương nội địa là khoảng 150 triệu đôi. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số lớn và chưa có sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hơn nữa, sản phẩm giày, dép made in Việt Nam tiêu thụ trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc thấp và trung cấp. Sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp cũng có nhưng ít và dường như “lép vế” trước các thương hiệu lớn trên thế giới.
Theo lý giải của bà Xuân, sở dĩ lượng tiêu thụ sản phẩm giày, dép trên thị trường nội địa chưa có biến chuyển lớn là do dung lượng thị trường nhỏ, số lượng tiêu thụ ít, trong khi đó, đòi hỏi đầu tư cho mẫu mã rất lớn, quay vòng vốn nhanh, khả năng tồn kho cao vì vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Bản thân sản phẩm giày, dép nội địa cũng đang phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc. “Do Trung Quốc có vùng nguyên liệu đầy đủ, đa dạng chuyện họ thay đổi mẫu mã rất đơn giản. Khả năng đa dạng mẫu mã của doanh nghiệp trong nước rất hạn chế nên rất vất vả cạnh tranh với hàng Trung Quốc” bà Xuân cho hay.
Ông Nguyễn Hải Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu da giày Việt Nam thì cho rằng: Việc không có bất cứ một rào cản kỹ thuật nào đối với các sản phẩm giày, dép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm giày, dép nội chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng trước hàng nhập khẩu ngay tại sân nhà, nhất là về yếu tố giá.
Xu hướng tiêu dùng hướng nội đối với sản phẩm giày, dép rõ ràng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong ngành tối đa hóa lợi nhuận, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cạnh tranh với hàng nhập ngoại (mặt hàng có mức độ tương đồng). Tuy nhiên, làm thế nào để doanh nghiệp khai thác được cơ hội này thực sự không phải điều dễ dàng bởi có những rào cản mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vượt qua, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước thực trạng trên, bà Xuân khuyến cáo: Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, nghĩa là phải cung cấp được những sản phẩm người tiêu dùng cần chứ không phải cung cấp cái mình có. Doanh nghiệp đồng thời phải xây dựng chiến lược, phát triển khâu chăm sóc khách hàng, đưa ra dịch vụ tốt nhất để giữ chân, giữ lòng trung thành của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, để sản phẩm giày, dép nội tiến sát hơn với người tiêu dùng, ngoài phương thức phân phối truyền thống như cửa hàng, đại lý doanh nghiệp có thể sử dụng internet như một kênh phân phối. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp sử dụng khá hiệu quả kênh phân phối này.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Da Giày Việt Nam: Thị trường nội địa đang thiếu hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, khiến sản phẩm giày, dép nội chịu thiệt thòi không nhỏ trong cuộc chiến cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Theo đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ có sự quan tâm thích đáng nhằm xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp ngành da giày vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa bảo vệ được người tiêu dùng.
Nguồn Cục Công nghiệp địa phương