Thời của ngành công nghiệp sáng tạo
Trong cuốn sách Những sự thật khó khăn để giúp Singapore đi tới (xuất bản năm 2011), cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói: “Chúng tôi phải thu hút và giữ chân nhân tài. Nhân tài không chỉ là những học giả thông minh”.
Vậy nhân tài còn bao gồm ở những lĩnh vực nào? Ông nói tiếp: “Nhân tài còn bao gồm những ngôi sao bóng đá, ngôi sao quần vợt, ngôi sao nhạc rock… Bất cứ loại ngôi sao nào”.
Có thể thấy, trong mắt ông Lý Quang Diệu, nhân tài được mở rộng hơn so với quan điểm thông thường và những thành phần này cũng cấu thành một lực lượng lao động không kém phần quan trọng trong nền kinh tế Singapore.
Khái niệm nhân tài này có liên hệ mật thiết với khái niệm nền kinh tế sáng tạo của phương Tây mà ảnh hưởng của nó là rất to lớn.
Một khái niệm khác được sử dụng tương tự như khái niệm ngành “công nghiệp sáng tạo” là khái niệm ngành “công nghiệp văn hóa” được sử dụng bởi UNESCO.
Nhìn chung, ngành công nghiệp sáng tạo bao gồm các lĩnh vực như quảng cáo và marketing, kiến trúc, nghề thủ công, thiết kế (đồ họa, thời trang), phim ảnh, truyền hình, video, dịch vụ máy tính, văn học, xuất bản, bảo tàng, thư viện, âm nhạc, game, thể thao.
Tại châu Á, có thể lấy một vài ví dụ điển hình minh chứng cho việc phát triển nền kinh tế sáng tạo qua việc đóng góp của những lĩnh vực khác. Chẳng hạn, hằng năm, nền công nghiệp điện ảnh và âm nhạc cũng như game của Hàn Quốc tạo ra hàng tỷ USD doanh thu, đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế nước này.
Hay Singapore không ngừng thu hút các nhân tài thể thao như Gao Ning hay Li Hu (bóng bàn) và các cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển bóng đá, góp phần không nhỏ tạo nên những thành tích ấn tượng của thể thao Singapore trên đấu trường Đông Nam Á và thế giới.
Ngành công nghiệp sáng tạo là công cụ cho việc hình thành và duy trì quyền lực mềm. Vì vậy, nền công nghiệp sáng tạo mang tính giải trí cao (như thể thao, âm nhạc, phim ảnh) của một quốc gia có thể thu hút sự chú ý của các quốc gia khác như một chiến lược PR cho hình ảnh đất nước và cụ thể hơn là cho sản phẩm của nước đó.
Chẳng hạn, phim tình cảm và K-Pop đã tạo điều kiện cho sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm của Hàn Quốc thâm nhập các nước châu Á, đồng thời tạo sức hút cho ngành du lịch Hàn Quốc. Đây là hiệu ứng lan tỏa của ngành công nghiệp sáng tạo.
Tương tự như vậy, Việt Nam cũng nên phát triển cho mình một nền công nghiệp sáng tạo/văn hóa có tính cạnh tranh như một vài môn thể thao thế mạnh đẳng cấp thế giới, một vài lĩnh vực đặc trưng hoặc một vài bộ phim ấn tượng, có sức hút quốc tế để tạo nên quyền lực mềm cho đất nước, đồng thời tạo nên “cơn sốt” nhu cầu cho sản phẩm Việt trên một vài thị trường mục tiêu trước khi phát triển một ngành công nghiệp sáng tạo hoàn chỉnh trong dài hạn (khi điều kiện cung và cầu phát triển đầy đủ).
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp sáng tạo bắt đầu hình thành, đặc biệt ở lĩnh vực âm nhạc khi nhiều bài hát đã được các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác (thay thế cho các bản nhạc Âu, Mỹ và nhạc Hoa lời Việt), trở thành những bài “hit” ở một vài thị trường lân cận. Trong khi đó, ngành thể thao luôn có mặt ở top trên trong các kỳ SEA Games và vài vận động viên có được các tấm huy chương quý giá tại các kỳ Olympic.
Đây cũng là sự đóng góp cho quyền lực mềm của ngành công nghiệp sáng tạo (mặc dù còn khiêm tốn). Vì vậy, cần tiếp tục phát huy để tạo thành một công cụ PR cho sản phẩm của Việt Nam, nhưng cần chú ý để vẫn giữ bản sắc riêng (yếu tố quyết định trong việc duy trì quyền lực mềm).
Công nghiệp sáng tạo cũng tạo ra môi trường cho những học sinh “cá biệt” có năng khiếu ở một vài lĩnh vực như hội họa, thiết kế, âm nhạc. Tại Việt Nam có không ít học sinh “cá biệt” có năng khiếu hoặc sở thích ở một vài lĩnh vực mang tính sáng tạo, như nghệ thuật chẳng hạn, nhưng vì lý do nào đó mà những em này từ bỏ ước mơ và năng khiếu ấy.
Vì vậy, với việc phát triển ngành công nghiệp sáng tạo (đi kèm theo đó là những thay đổi trong cách nghĩ theo hướng cởi mở về những ngành này thông qua các minh chứng thực tế), nền kinh tế sẽ hấp thu một lượng lớn học sinh “cá biệt” và “lười học” các chương trình “truyền thống” nhưng có khả năng tạo thành một nguồn lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Công nghiệp sáng tạo còn là cách ứng phó cho các vấn đề lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cuộc cách mạng 4.0), một số không ít ngành nghề có quá trình lao động lặp đi lặp lại sẽ được thay thế bởi robot. Vì thế sẽ có người trong lực lượng lao động dôi dư có năng khiếu nghệ thuật, thể thao gia nhập ngành công nghiệp sáng tạo mang tính văn hóa.
Chính họ sẽ tạo ra nguồn cung không nhỏ cho nền công nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của trí thông minh nhân tạo, con người sẽ có nhiều thời gian cho giải trí hơn (do máy móc làm thay có năng suất cao hơn), khi đó con người sẽ có xu hướng tìm phương cách giải trí gần gũi với tự nhiên, tức sẽ chuyển sang các hình thức giải trí có sự tham gia của con người, và như vậy đã giúp ngành công nghiệp sáng tạo có cơ hội phát triển.
Theo Doanhnhansaigon.vn
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: