Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ hướng biển của khu vực, đồng thời là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như: khai thác dầu khí, cong nghiệp chế biến, cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển.
Tính đến cuối năm 2022, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh khoảng 11.500 DN, chiếm tỷ lệ 97% tổng số doanh nghiệp. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách hỗ trợ từ khuyến công đã đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, các cơ sở CNNT nói riêng. Từ đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thúc đẩy phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Sau khi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn được ban hành, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành kịp thời các văn bản pháp luật về khuyến công địa phương như Quy chế quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND ngày 17/9/2014, Quyết định số 34/2019/QĐ-UBND ngày 18/12/2019 (thay thế Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND); Các chương trình, kế hoạch về khuyến công năm năm và hàng năm theo thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác triển khai các chương trình, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, của Sở Công Thương, sự phối hợp của các ban ngành, các địa phương và các cơ quan liên quan, chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được nhiều kết quả tích cực đóng góp vào thành tích chung của toàn ngành công thương, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Các hoạt động khuyến công bám sát mục tiêu chương trình khuyến công giai đoạn, định hướng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở CNNT để hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở CNNT, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, có thêm nhiều sản phẩm mới, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến
Từ năm 2012 đến nay, chương trình khuyến công hỗ trợ xây dựng 09 mô hình trình diễn kỹ thuật, (kinh phí hỗ trợ khoảng 2,2 tỷ đồng), hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 128 cơ sở (kinh phí hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng) đã giúp các cơ sở tăng năng suất, tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tạo ra sản phẩm mới, tăng giá trị thương hiệu sản phẩm CNNT.
Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho Công ty TNHH SX TM Cơ khí CNC Hoàng Phúc và Công ty TNHH Ân Sơn Phát
Tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở CNNT
Hàng năm, chương trình khuyến công thực hiện 4 – 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở CNNT, với các chuyên đề như: Xây dựng và phát triển thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm, lập kế hoạch kinh doanh, marketing, kỹ năng bán hàng, văn hóa kinh doanh, thương mại điện tử, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, kỹ thuật áp dụng sản xuất sạch hơn, … Các lớp tập huấn với những chuyên đề thiết thực, phù hợp với xu hướng kinh doanh hiện đại, giúp các cơ sở nâng cao nhận thức, tiếp cận những kiến thức mới, áp dụng vào sản xuất kinh doanh sản phẩm ngày càng hiệu quả.
Tập huấn Kỹ năng bán hàng và văn hóa kinh doanh cho các cơ sở CNNT
Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn
Công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT được chú trọng qua các hoạt động khuyến công như:
– Hỗ trợ tổ chức Hội chợ triển lãm (Hội chợ triển lãm Công thương – Du lịch năm 2015, Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2019 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn – thương mại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2023).
– Hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia 29 hội chợ triển lãm trong nước, 01 hội chợ tại Lào.
– Hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm cho 09 cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh trở lên.
– Tổ chức 07 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh và tham gia chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia. Giai đoạn 2012-2023, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 384 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, 175 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 52 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, 22 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Số lượng và chất lượng sản phẩm CNNT tiêu biểu được công nhận tăng dần qua từng kỳ bình chọn. Các sản phẩm CNNT tiêu biểu được in trên cuốn brochure, giới thiệu trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh, hệ thống đài phát thanh cấp huyện, kênh truyền hình VTV9, tạp chí Công Thương, bản tin Công Thương, bản tin Khuyến công (4 bản tin/năm), website của Sở Công Thương, website của Trung tâm Khuyến công, trưng bày tại các hội nghị, hội chợ triển lãm, sự kiện kinh tế văn hoá của tỉnh, tham gia các hội nghị kết nối giao thương… Nhờ đó, các sản phẩm CNNT có thêm cơ hội để quảng bá giới thiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Tham gia hội chợ, triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn năm 2023 tại Hậu Giang
Hợp tác quốc tế về khuyến công
Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khuyến công, Trung tâm Khuyến công đã phối hợp triển khai dự án “Phổ cập, kiểm chứng và thương mại hoá thương hiệu Tsubame Sanjo và sáng tạo thương hiệu chung từ sản phẩm của Tsubame Sanjo tại Việt Nam” do JICA tài trợ (Dự án Sanjo), kết nối các cơ sở tiếp cận với các doanh nghiệp Nhật bản về công nghệ kỹ thuật tạo ra sản phẩm mang thương hiệu chung giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trung tâm Khuyến công cung cấp thông tin, vận động các cơ sở CNNT đăng ký tham gia các hội thảo và tư vấn trực tiếp với chuyên gia Nhật bản và Việt Nam với các chuyên đề: Quyền sở hữu tài sản trí tuệ, pháp lý về giao thương với doanh nghiệp Nhật Bản, các kỹ thuật then chốt trong gia công kim loại, xây dựng phát triển thương hiệu, kinh nghiệm quản lý sản xuất theo mô hình Nhật Bản, doanh nghiệp tăng trưởng xanh, xây dựng kế hoạch sản xuất, xây dựng tổ chức và quản lý nhân lực… Các buổi tư vấn trực tiếp với chuyên gia Nhật bản và Việt Nam về sở hữu trí tuệ, quản lý nhân lực, chiến lược kinh doanh, giải pháp môi trường… . Qua đó, các cơ sở đã thu hoạch nhiều kiến thức có giá trị, ứng dụng hữu ích trong sản xuất kinh doanh sản phẩm CNNT.
Công ty TNHH Alita Tech ký kết hợp tác với Công ty Takagi Co., Ltd. (Dự án Sanjo)
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công thực hiện tư vấn cho doanh nghiệp về: Marketing, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm, thiết kế logo, đăng ký mã số mã vạch sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, … từ nguồn vốn xã hội hóa.
Sau hơn10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, chính sách khuyến công góp phần phát huy hiệu quả đối với sự phát triển của toàn ngành công thương, đã khuyến khích hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Với sự hỗ trợ tích cực và kịp thời từ chương trình khuyến công, các sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng vị thế thương hiệu sản phẩm “Made in Bà Rịa – Vũng Tàu”, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến và tin dùng.
Phi Nga
Bình luận bài viết này