Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án khuyến công quốc gia giai đoạn 2022-2024 đã diễn ra vào ngày 12 tháng 10 năm 2024 tại Hội trường UBND thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Hội nghị được tổ chức nhằm tổng hợp và đánh giá các mục tiêu đạt được cũng như chưa đạt được của đề án, đồng thời đề ra phương hướng và nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.
Chủ trì Hội nghị có ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; ông Trương Văn Minh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang và ông Lê Minh Trung – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang. Tham dự hội nghị còn có các đại biểu gồm Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Kiên Giang, các Trung tâm Khuyến công các tỉnh khu vực phía Nam, phòng kinh tế thành phố Phú Quốc, phòng kinh tế hạ tầng các huyện trên địa bàn và các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn Phú Quốc.
Theo báo cáo tại hội nghị, tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 9 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia chiếm hơn 3 tỷ đồng (33,3% tổng kinh phí), được phân bổ cho 5 nội dung hỗ trợ chính:
- Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại 7 cơ sở chế biến nước mắm.
- Hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến cho 4 cơ sở chế biến nước mắm.
- Xây dựng phòng trưng bày cho 1 cơ sở CNNT để giới thiệu và quảng bá sản phẩm.
- Đào tạo nâng cao năng lực quản lý với 2 lớp đào tạo cho các cơ sở chế biến nước mắm tại thành phố Phú Quốc.
- Tổ chức hội nghị tổng kết đề án đánh giá kết quả thực hiện khuyến công giai đoạn 2022-2024 tại thành phố Phú Quốc.
Các tham luận tại hội nghị đến từ nhiều đơn vị, bao gồm Phòng Kinh tế thành phố Phú Quốc, Phòng kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Quao, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh nước mắm Thanh Quốc, Công ty TNHH Kinh doanh nước mắm Huỳnh Khoa, và một số doanh nghiệp khác. Các đơn vị này đã đóng góp những ý kiến thiết thực và bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Hệ thống xử lý nước thải Công ty TNHH MTV nước mắm Kim Hoa, tp Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Sau 3 năm triển khai, Đề án điểm hỗ trợ các cơ sở CNNT chế biến nước mắm đã tạo điều kiện cho các cơ sở này đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường sản xuất, đổi mới công nghệ, và nâng cao năng lực quản lý. Bên cạnh đó còn giúp xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, và khẳng định được thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Điều này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành chế biến nước mắm.
Nơi sản xuất nước mắm Công ty Cổ phần Khải Hoàn, tp Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Sự phát triển của ngành chế biến nước mắm đã mang lại những tác động tích cực đến nền công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Kiên Giang. Nó không chỉ tăng giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP của tỉnh mà còn thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng công nghiệp hóa nông thôn; tạo ra nhiều việc làm mới. tăng thu nhập cho người lao động. Góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Kiên Giang theo hướng xanh, sạch, hiện đại, phát triển ngành nghề chế biến nước mắm kết hợp với du lịch.
Phòng trưng bày sản phẩm Công ty Cổ phần Khải Hoàn, tp Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) giai đoạn đến năm 2025 chỉ còn một năm nữa là kết thúc. Trong bối cảnh hiện tại, kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là những biến động phức tạp của thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với nhiều yếu tố khách quan khác đã tạo ra những áp lực mới cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh. Do đó, để đảm bảo hiệu quả và phù hợp với thời đại, các hoạt động khuyến công trong giai đoạn tiếp theo xác định phải có sự đổi mới và thích ứng linh hoạt.
Showroom DNTN Hồng Đức 1, tp Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Vũ Giang
Bình luận bài viết này