Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn phát triển mới với định hướng trở thành siêu đô thị đa trung tâm, việc định hình không gian phát triển đô thị gắn với hạ tầng thương mại – dịch vụ, chuỗi cung ứng và hệ thống bán lẻ hiện đại trở thành yêu cầu cấp thiết.
Ngày 11/7/2025, tại Khách sạn Pullman Vũng Tàu, dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Chương trình tọa đàm “Không gian phát triển Thành phố Hồ Chí Minh – Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ” nhằm phân tích các xu hướng phát triển, thảo luận giải pháp kết nối không gian thương mại và logistics cũng như gợi mở chính sách phát triển và định hướng hợp tác vùng, phát huy lợi thế liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương, hướng đến xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm mua sắm – tiêu dùng tầm vóc khu vực.
Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh và các sở, ngành thành phố, cùng các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực thương mại, các hiệp hội, doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực sản xuất, phân phối, logistics, thương mại điện tử, bán lẻ, đầu tư hạ tầng thương mại.
Tọa đàm “Không gian phát triển Thành phố Hồ Chí Minh – Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ”
TP. Hồ Chí Minh đang bước vào một giai đoạn phát triển mới
Phát biểu khai mạc, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhận định: TP. Hồ Chí Minh đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, cơ hội rất lớn đang mở ra cho ngành thương mại.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh – phát biểu khai mạc buổi Toạ đàm
Việc hình thành TP.Hồ Chí Minh mới từ sáp nhập 3 địa phương là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu là các tỉnh, thành có động lực tăng trưởng kinh tế hang đầu khu vực Đông Nam Bộ, đã tạo nên một siêu đô thị có quy mô rất lớn, với GRDP đạt 2,7 triệu tỷ đồng (tính đến năm 2024).
Việc mở rộng không gian phát triển, vận hành mô hình đô thị đa trung tâm không chỉ đơn thuần là điều chỉnh cơ học về mặt hành chính, mà đây chính là cơ hội nâng tầm vị thế của Thành phố trên bản đồ kinh tế Đông Nam Á.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, lãnh đạo Thành phố đã chủ động đổi mới mô hình tăng trưởng, xác lập vai trò trung tâm về tài chính, sản xuất, thương mại, logistics và đổi mới sáng tạo trong khu vực. Ngành Công thương Thành phố đã xác định một số định hướng trọng tâm trong phát triển thương mại – dịch vụ giai đoạn mới, trong đó, phát triển quy hoạch không gian thương mại – dịch vụ gắn với đô thị đa trung tâm, tận dụng lợi thế hướng biển, tăng cường kết nối vùng.
Xây dựng không gian thương mại hiện đại cho TP.Hồ Chí Minh mới
Tại buổi toạ đàm, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, thương mại, các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường trình bày các bài tham luận chuyên sâu về chiến lược, giải pháp xây dựng không gian thương mại hiện đại cho TP.Hồ Chí Minh mới
- TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright) Phân tich bối cảnh không gian, thị trường, hệ sinh thái thương mại, vị thế và lợi thế cạnh tranh, định hướng chiến lược phát triển thương mại TP. Hồ Chí Minh. Nhận định tầm nhìn giai đoạn 2025 – 2045, TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ và logistics quốc tế hàng đầu Đông Nam Á với chiến lược định vị: 1 thành phố – 3 trung tâm. Định hướng chiến lược cho TP. Hồ Chí Minh là: Phát triển không gian thương mại đa trung tâm, nâng cấp hạ tầng logistics – TMĐT – dữ liệu, thiết lập cơ chế đặc thù cho các mô hình thương mại mới.
- NielsenIQ trình bày tham luận về vấn đề Bán lẻ trong siêu đô thị, cung cấp dữ liệu thị trường, phân tích thách thức và cơ hội nhìn từ góc độ hàng hoá thiết yếu, cho thấy siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập trở thành thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm lớn nhất cả nước, nhưng đang đối mặt tình trạng bão hòa mật độ cửa hàng, phân hóa tiêu dùng rõ giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Doanh nghiệp cần số hóa dữ liệu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa để cạnh tranh và mở rộng hiệu quả.
- MoMo phân tích bức tranh bán lẻ truyền thống và tiềm năng tái cấu trúc: TP. Hồ Chí Minh có hơn 350 chợ, khoảng 60.000 cửa hàng tạp hóa, cung ứng 60-65% nhu cầu hàng hóa, song đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ hệ thống hiện đại và xu hướng mua sắm online. Cần hiện đại hóa chợ, hỗ trợ tiểu thương chuyển đổi số. MoMo đề xuất lộ trình 3 bước số hóa và chính sách truyền thông, đào tạo kỹ năng số, ứng dụng nền tảng tài chính số.
- Informa Markets nêu tầm quan trọng của triển lãm trong không gian đô thị mới: từ thủ phủ công nghiệp đến trung tâm thương mại và giao thương quốc tế, xu hướng triển lãm thế giới, đề xuất chiến lược triển lãm và du lịch MICE tại Việt Nam.
- Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam phân tích sự chuyển dịch thương mại theo hướng hiện đại, nhấn mạnh vai trò sàn giao dịch hàng hóa trong phát triển kinh tế quốc gia: cơ chế thiết lập giá, quản lý rủi ro, mở ra kênh đầu tư mới, kết nối thương mại – tài chính – logistic
Tại buổi toạ đàm còn có các ý kiến trao đổi, thảo luận từ đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo hiệp hội, doanh nghiệp, tập trung vào các vấn đề: Định hướng quy hoạch hệ thống phân phối theo mô hình đô thị đa trung tâm; Giải pháp hiện đại hóa và số hóa chợ truyền thống; Tổ chức lại mạng lưới kho vận – trung tâm phân phối vùng; Phát triển thương mại điện tử; Tăng cường liên kết với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp và hoàn thiện chính sách phát triển bán lẻ phù hợp với nhu cầu tiêu dùng mới.
Buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành thương mại, chuỗi cung ứng, bán lẻ đối với siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn phát triển mới. Những giải pháp mang tính thực tiễn và có tính chiến lược nhằm xây dựng không gian thương mại hiện đại, đồng bộ và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch không gian thương mại, phát triển hạ tầng bán lẻ thông minh, hoàn thiện chuỗi cung ứng tích hợp và thúc đẩy mô hình liên kết vùng, hướng đến mục tiêu phát triển siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm mua sắm – tiêu dùng hàng đầu Đông Nam Á.
Phi Nga
Bình luận bài viết này