BR-VT chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí: Chuẩn bị sẵn sàng cho CNHT
Trong hai mục tiêu xúc tiến thu hút đầu tư Nhật Bản được đẩy mạnh hơn 2 năm qua ở BR-VT là công nghiệp hỗ trợ và logistic thì công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có phần “sôi nổi” hơn. Ở lĩnh vực này, BR-VT đã hội tụ cơ bản các điều kiện để phát triển, đó là một hệ thống các KCN, cụm công nghiệp phát triển tương đối đầy đủ với sự có mặt của nhiều ngành như: năng lượng, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng, phân NPK, gạch men, nhựa, chế biến hải sản…
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 14 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 8.800 ha, trong đó có nhiều dự án lớn như: các nhà máy điện tại KCN Phú Mỹ, Dự án khí Nam Côn Sơn, Nhà máy thép Posco, Trạm nghiền xi măng Holcim…
Sau rất nhiều cuộc tiếp xúc và tham quan, giao lưu giới thiệu và quảng bá giữa BR-VT và Nhật Bản trong suốt hơn 2 năm qua, cuối cùng thì mục tiêu chiến lược là phát triển CNHT đã đạt được một bước tiến mới với hai sự kiện quan trọng đó là: lễ công bố và trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án Cụm Công nghiệp chuyên sâu Đá Bạc vào giữa tháng 5 tại huyện Châu Đức và lễ khởi công KCN Phú Mỹ 3 vào trung tuần tháng 6 vừa qua. Hai dự án phục vụ cho ngành CNHT được xúc tiến chứng tỏ BR-VT đã thực sự khởi động guồng quay phát triển CNHT.
Để sẵn sàng đón các nhà đầu tư đến từ xứ sở mặt trời mọc, BR-VT đã nỗ lực tiến hành cùng lúc rất nhiều hoạt động. Phát triển ngành công nghiệp cơ khí địa phuơng là một trong những giải pháp ấy.
Theo thống kê của Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 750 cơ sở cơ khí. Trong đó có 63 doanh nghiệp lớn, có yếu tố vốn FDI. Còn lại 679 cơ sở xếp vào quy mô nhỏ và vừa có vốn đầu tư trong nước. Chắt lọc từ 679 cơ sở này, có 83 cơ sở có qui mô vốn từ 1 tỷ trở lên. Các cơ sở này chủ yếu tập trung ở các ngành: sản xuất các sản phẩm cửa nhôm, cửa sắt, tủ giường; sản xuất các sản phẩm máy móc thiết bị; gia công cơ khí; đóng sửa, gia công cơ khí phục vụ dầu khí, xây dựng… là những ngành thuộc CNHT mà tỉnh đang tập trung thu hút. Do đó, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công thương tỉnh BR-VT đã lập danh sách 83 cơ sở để có kế hoạch hỗ trợ.
Theo kế hoạch, chương trình hỗ trợ sẽ được ngành công thương triển khai thực hiện dài hạn và toàn diện. Ngay sau khi thống nhất danh sách, Trung tâm Khuyến công lập tức triển khai đề xuất các chương trình kết nối giữa các cơ sở này với các đơn vị tiềm năng trên địa bàn tỉnh, đồng thời kết nối thông tin với bên có nhu cầu thuộc cùng lĩnh vực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ lẫn nhau giữa các bên. Nội dung hỗ trợ tập trung vào 3 vấn đề chính gồm: kết nối và cung cấp thông tin cần thiết, đào tạo cho người quản lý và lao động; giới thiệu công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất đáp ứng yêu cầu tối thiểu của sản phẩm và phù hợp xu thế chung; giới thiệu chính sách hỗ trợ vốn cho các cơ sở nhỏ, vừa và siêu nhỏ.
Qua chuyến khảo sát và làm việc tại các doanh nghiệp được thụ hưởng kinh phí khuyến công, ngành công thương đã hoàn tất kế hoạch hỗ trợ. Thứ nhất, trong chương trình khuyến công hàng năm sẽ xây dựng các đề án, chương trình hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến hỗ trợ các công ty, cơ sở phát triển sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ hai, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao về năng lực quản lý, marketing… cho các cơ sở, doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập hiện nay. Thứ ba là sớm triển khai xây dựng và hoạt động “quỹ hỗ trợ phát triển” để đáp ứng nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp.
Riêng đối với các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn, ngành sẽ tổ chức đối thoại giữa ba bên là đơn vị sản xuất, cơ quan nhà nước và ngân hàng, bao gồm cả Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thương mại để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong vay vốn phát triển sản xuất, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đối với những công ty đang gặp khó khăn về lao động, Trung tâm Khuyến công sẽ phối hợp với công ty và các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo và làm việc theo hình thức gia công tại nhà và hình thành các nhóm tập trung trong các khu dân cư của huyện, tỉnh để làm cơ sở vệ tinh cho công ty, sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng cho khách hàng. Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển sản xuất ổn định và bền vững, ngành công thương sẽ cùng doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xây dựng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và phát triển thương hiệu của từng cơ sở, công ty hoặc nhãn hiệu, thương hiệu tập thể…
Tất cả những gì mà ngành công thương tỉnh BR-VT đã, đang và sẽ triển khai là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí của tỉnh lớn mạnh dần để có thể đủ sức kết nối vào chuỗi sản xuất của ngành CNHT ngay khi các doanh nghiệp Nhật Bản đặt chân vào tỉnh. Với nguồn vốn khuyến công khá lớn, rõ ràng là khu vực công nghiệp nông thôn đang có nhiều lợi thế và cơ hội để phát triển.
Theo báo cáo của Sở Công thương, nguồn vốn hoạt động khuyến công tập trung mạnh nhất là từ năm 2008 đến nay. Trong đó, giai đoạn 2008-2012, kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương được giao trên 18,4 tỷ đồng. Đồng thời, thu hút thêm vốn đầu tư của các cơ sở là trên 84,5 tỷ đồng cho khu vực công nghiệp nông thôn của tỉnh.
Sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ ở khu vực công nghiệp nông thôn là một bước khởi đầu thuận lợi khi thực hiện nhiệm vụ Chính phủ đã giao cho BR-VT, đó là hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho đất nước. Từ năm 2012 trở đi, BR-VT đã bắt tay vào việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và vật lực để sẵn sàng cho yêu cầu của ngành công nghiệp hỗ trợ khi ngành công nghiệp mới mẻ này khởi động.
Trong năm 2012 – 2013, Cơ sở đào tạo nghề của tỉnh đã triển khai đào tạo 300 lao động kỹ thuật trên một số lĩnh vực ngành nghề như: gia công cơ khí, lắp ráp, chế tạo ngành cơ khí…phục vụ công nghiệp hỗ trợ. Năm 2012-2013, Trường Cao đẳng nghề tiếp tục triển khai đề án Đào tạo 400 lao động kỹ thuật phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh năm 2013-2014. Tổng cộng đến cuối năm 2014, tỉnh sẽ đào tạo được 700 lao động cung ứng cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo kế hoạch đến quí 1/2014 sẽ tốt nghiệp khóa đào tạo 300 lao động công nghiệp hỗ trợ đầu tiên tại tỉnh.
Trên cơ sở phương hướng đã được xác định, giai đoạn từ 2010 – 2015, BR-VT đã đặt mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển CNHT nhằm chế tạo, sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ cho các ngành công nghiệp chế tạo ở các tỉnh, thành phố lân cận cũng như trong cả nước.
Tiếp đến, giai đoạn 2016 – 2020, BR-VT chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cao hàm lượng nội địa hóa và năng lực tự thiết kế, chế tạo thiết bị, cụm linh kiện, phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp tại nội địa và hướng đến xuất khẩu.
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: