BR-VT: Khuyến công thêm nhiệm vụ mới
Từ năm 2004, công tác khuyến công đã được Chính Phủ chủ trương khuyến khích phát triển bằng nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho công nghiệp khu vực nông thôn. Theo đó, Trung tâm khuyến công & tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho khu vực kinh tế công nghiệp nông thôn như: Chương trình khuyến công về tập huấn, đào tạo; Trình diễn mô hình; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị; Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công; Sản xuất sạch hơn; Hỗ trợ tiết kiệm năng lượng…Từ năm 2013 trở đi, công tác này còn đảm nhận thêm 1 nhiệm vụ mới, đó là Phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Nâng cao năng lực công nghiệp nông thôn
Theo bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương, từ khi có chủ trương của Chính Phủ tập trung đẩy mạnh công tác khuyến công, khu vực công nghiệp nông thôn của cả nước nói chung, BR-VT nói riêng đã từng bước được hỗ trợ phát triển, tạo thêm nhiều năng lực mới cho nền kinh tế. Riêng địa phương BR-VT được Cục Công nghiệp đánh giá cao về việc triển khai thực hiện công tác khuyến công, góp phần quan trọng vào công nghiệp hóa công nghiệp nông thôn của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho sản xuất.
Nguồn vốn hoạt động khuyến công tập trung mạnh nhất là từ năm 2008 đến nay. Trong đó, giai đoạn 2008-2012, kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương được giao là 18,437 tỷ đồng. Với “vốn mồi” từ chương trình khuyến công chiếm khoảng 30%, đã thu hút thêm vốn đầu tư của các cơ sở là 84,555 tỷ đồng cho khu vực công nghiệp nông thôn của tỉnh. Các đề án, chương trình tập trung các nội dung về trình diễn mô hình; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị; Tập huấn nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn hóa quản lý, tổ chức SX và tiêu thụ sản phẩm cho các DN, cơ sở SX; Nâng cao tay nghề, tiếp cận công nghệ, máy móc thiết bị mới vào SX; Đăng ký thương hiệu; Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu….nhằm nâng cao hiệu quả SXKD và tạo thế phát triển bền vững cho khu vực công nghiệp nông thôn. Riêng năm 2013, Trung tâm khuyến công được Bộ Công Thương và UBND tỉnh giao thực hiện 37 đề án, chương trình về khuyến công và tiết kiệm năng lượng với tổng kinh phí 11.586.360.000 đồng. Trong đó có 34 đề án khuyến công địa phương với kinh phí 11.236.360.000 đồng, 02 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí 250.000.000 đồng và 01 chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kinh phí 100.000.000 đồng.
Khuyến công thêm “vai” mới
Với nhiệm vụ được Chính phủ giao: Hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho đất nước, từ năm 2012 trở đi, thêm một nhiệm vụ mới nữa mà những người làm công tác khuyến công ở tỉnh phải tính toán, đó là chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và vật lực (cơ sở vật chất nhà xưởng, máy móc thiết bị), sẵn sàng đáp ứng cho yêu cầu của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) khi hình thành. Bắt tay ngay vào việc, trong năm 2012 – 2013, Cơ sở đào tạo nghề của tỉnh đã triển khai đào tạo 300 lao động kỹ thuật trên một số lĩnh vực ngành nghề như: Gia công cơ khí, lắp ráp, chế tạo ngành cơ khí…phục vụ công nghiệp hỗ trợ. Năm 2012-2013, Trường Cao đẳng nghề tiếp tục triển khai đề án Đào tạo 400 lao động kỹ thuật phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh năm 2013-2014. Tổng cộng đến cuối năm 2014, tỉnh sẽ đào tạo được 700 lao động cung ứng cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo kế hoạch đến quí 1/2014 sẽ tốt nghiệp khóa đào tạo 300 lao động công nghiệp hổ trợ đầu tiên tại tỉnh. Như vậy, nhân lực cho ngành CNHT của tỉnh đã tạm ổn. Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo mà Sở Công Thương đặt ra là phải tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí của tỉnh lớn mạnh lên, đủ sức kết nối với các doanh nghiệp CNHT Nhật Bản để khi các DN ngành CNHT Nhật Bản đặt chân vào tỉnh, là có thể kết nối vào chuỗi SX cung ứng của ngành này.
Tập trung hỗ trợ cho các DN cơ khí
Theo chỉ đạo của Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công tỉnh đã tiến hành khảo sát, lập danh sách, đánh giá chi tiết qui mô, năng lực của tấc cả cơ sở ngành cơ khí trên toàn địa bàn tỉnh để có KH hỗ trợ. Kết quả thu thập được cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 750 cơ sở cơ khí. Trong đó có 63 DN lớn, có yếu tố vốn FDI. Còn lại 679 cơ sở nhỏ và vừa, vốn trong nước. Các ngành nghề chủ yếu là gia công SX cửa sắt, cửa nhôm, các thiết bị phục vụ đóng sửa tàu thuyền, SX nông nghiệp, gia công lắp đặt thiết bị SX bún, bánh tráng, bánh phở. Trong đó đa phần là cơ sở nhỏ, siêu nhỏ, qui mô vốn không quá 100 triệu đồng. Chỉ có 83 cơ sở có qui mô vốn từ dưới 1 tỷ trở lên. Lao động tại các cơ sở này chủ yếu là lao động gia đình và chưa qua đào tạo. Chắt lọc trong số này, Trung tâm Khuyến công đã lập danh sách 83 cơ sở có qui mô vốn từ 1 tỷ đồng trở lên, gồm các ngành: SX các sản phẩm cửa nhôm, cửa sắt, tủ giường; SX các sản phẩm máy móc thiết bị; Gia công cơ khí; Đóng sửa, gia công cơ khí phục vụ dầu khí, xây dựng…là những ngành thuộc CNHT mà tỉnh đang tập trung thu hút, để có KH hỗ trợ. Trong đó chỉ có 2 cơ sở có qui mô vốn từ 10 đến 50 tỷ đồng; 1 cơ sở qui mô vốn 5-10 tỷ, 33 cơ sở qui mô vốn từ 1-5 tỷ, còn lại đều có mức vốn dưới 1 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, khác với trước đây, chương trình khuyến công từ nay sẽ hỗ trợ sẽ dài hạn, hỗ trợ toàn diện, nhằm cùng đồng hành với các cơ sở cho đến khi họ đủ sức đứng vững. Ngay sau khi đã thống nhất danh sách, Trung tâm khuyến Công sẽ đề xuất các chương trình kết nối giữa các cơ sở này với các đơn vị tiềm năng trên địa bàn tỉnh đồng thời kết nối thông tin với bên có nhu cầu thuộc cùng lĩnh vực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ lẫn nhau giữa các bên. Nội dung hỗ trợ tập trung 3 vấn đề chính gồm: Kết nối và cung cấp thông tin cần thiết, đào tạo cho người quản lý và lao động; Giới thiệu công nghệ, thiết bị phục vụ SX đáp ứng yêu cầu tối thiểu của sản phẩm và phù hợp xu thế chung; Giới thiệu chính sách hỗ trợ vốn cho các Cơ sở nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Theo đó, giai đọan đầu, các chương trình hỗ trợ cũng được dự kiến với các công việc cụ thể như: Hỗ trợ kinh phí cho 3 cơ sở với số tiền khỏang 500 triệu đồng/cơ sở; Tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng 300 chủ cơ sở, kinh phí 2 triệu đồng/người; Đào tạo cho 300 lao động, kinh phí 2 triệu đồng/người; Hỗ trợ lãi suất vay cho khoảng 10 cơ sở đầu tư đổi mới thiết bị, với số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng/chi lãi suất cho 1 năm, với khỏan vay 500 triệu đồng/1 cơ sở; Hỗ trợ 100 triệu đồng cho Cty TNHH Chu Lai Long Điền đầu tư hệ thống sấy gỗ dân dụng; Hỗ trợ 100 triệu đồng cho cơ sở xay xát lúa Tấn Lợi huyện Đất Đỏ đầu tư hệ thống bóc vỏ lúa; Hỗ trợ tư vấn khởi sự thành lập doanh nghiệp cho khoảng 50 cơ sở, doanh nghiệp về chế biến thực phẩm, kinh phí khoảng 250 triệu đồng.
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: