Tổ chức Hội nghị tập huấn công tác khuyến công
Trong các ngày từ 11 – 21 tháng 6 năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp đã tổ chức tập huấn công tác khuyến công tại địa bàn các huyện Long Điền, Tân Thành và thành phố Vũng Tàu. Đây là hoạt động nằm trong chương trình nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công, thuộc 9 nội dung của hoạt động khuyến công theo Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Tham dự Hội nghị có ông Lê Văn Luận, Phó Văn phòng đại diện phía Nam, Cục Công nghiệp địa phương, ông Đinh Thanh Liêm, Phó trưởng Phòng Quản lý Thương mại – Sở Công thương và bà Trần Kim Thu, Giám đốc Trung tâm Khuyến công.
Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đã thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Nguồn kinh phí khuyến công đã tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoạt động khuyến công cũng gặp phải một số vướng mắc, như: Có nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn thuộc thành phố loại 2, 3 muốn được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công song không được triển khai vì Nghị định 134/NĐ-CP không quy định; Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trongviệc áp dụng sản xuất sạch hơn thời gian qua chưa được đẩy mạnh, mới chỉ làm thí điểm tại một vài đơn vị, do Nghị định 134/NĐ-CP chưa có quy định hỗ trợ trong lĩnh vực này; về tổ chức hệ thống khuyến công viên tại cấp huyện, xã đã được triển khai ở rất nhiều tỉnh, thành song cũng chưa có quy định về chế độ cụ thể cho đội ngũ này.
Từ thực tế trên, Bộ Công thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 45/NĐ-CP thay thế Nghị định 134/NĐ-CP. Nghị định 45/NĐ-CP ra đời đã có sự đổi mới căn bản về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng trên cơ sở kế thừa những nội dung tích cực và khắc phục những tồn tại, bất cập của Nghị định 134. Theo đó, Nghị định 45 quy định các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (gọi chung là hoạt động khuyến công); Đối tượng được hỗ trợ kinh phí khuyến công cũng được mở rộng, bao gồm: các cơ sở công nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn, xã, các phường thuộc thành phố loại 2, loại 3 và các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 5 năm; Riêng chương trình áp dụng sản xuất sạch hơn thì không phân biệt quy mô doanh nghiệp và địa bàn đầu tư sản xuất.
Từ những nội dung đổi mới trong hoạt động khuyến công nên cần phải cập nhật, phổ biến thông tin, chính sách của Nhà nước về khuyến công đến các địa phương, các chuyên viên, cộng tác viên khuyến công, và nhất là các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trên địa bàn, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp xây dựng đề án “Tập huấn công tác khuyến công theo Nghị định 45/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”. Qua các Hội nghị tập huấn, các Báo cáo viên là đại diện Văn phòng Cục công nghiệp địa phương phía Nam, lãnh đạo Trung tâm Khuyến công đã phổ biến, hướng dẫn cụ thể về chính sách khuyến công, hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn đến các cán bộ, lãnh đạo các xã, phường, thị trấn, một số phòng, ban chuyên môn của huyện và lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được bà Trần Kim Thu, Giám đốc Trung tâm Khuyến công phổ biến, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2014. Theo đó, năm 2014, Trung tâm sẽ tập trung hỗ trợ kinh phí khuyến công trong các lĩnh vực đào tạo nghề cơ khí, cắt gọt kim loại phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu trong sản xuất nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ kiểm toán năng lượng, áp dụng các mô hình tiết kiệm năng lượng như máy nước nóng năng lượng mặt trời, pin năng lượng mặt trời…Qua đó, các doanh nghiệp đã đề xuất Trung tâm Khuyến công hỗ trợ các chương trình, đề án rất thiết thực như: Công ty TNHH Hải Vương, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án đầu tư dây chuyền sản xuất phân vi sinh dạng viên; Cơ sở đúc đồng Đại Hạnh đề nghị hỗ trợ kinh phí đầu tư lò nấu đồng phục vụ nghề đúc đồng truyền thống; các nhà máy nước đá đề nghị được hỗ trợ tư vấn kiểm toán năng lượng…
Có thể nói, chương trình nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công thông qua việc tổ chức các Hội nghị tập huấn công tác khuyến công đã giúp các địa phương, các cán bộ làm công tác khuyến công và các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn hiểu sâu hơn, kịp thời nắm bắt những chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, đóng cửa thì việc hỗ trợ kinh phí khuyến công từ phía Nhà nước đối với doanh nghiệp thật sự là một động lực, một nguồn động viên lớn giúp các doanh nghiệp có thể mạnh dạn tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động.
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: