EU hỗ trợ ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam: Sự lựa chọn hoàn hảo (Bài 2)
Mục tiêu của việc nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã và xây dựng thương hiệu cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) là: Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm TCMN, ưu tiên những mặt hàng có tiềm năng, những doanh nghiệp (DN) uy tín, làng nghề nổi danh, thể hiện ở các tiêu chí: (1) Năng lực sản xuất tiêu biểu về xuất khẩu (XK) và tiêu thụ nội địa cao, (2) Khả năng đổi mới thiết kế tạo sản phẩm mới phù hợp với thương trường, (3) Sản phẩm mới cần và có khả năng nhân rộng, (4) Điều kiện kết hợp với phát triển du lịch để kích cầu khách nội địa và XK tại chỗ.
Bài 2: Hỗ trợ thiết kế và xây dựng thương hiệu thủ công mỹ nghệ
Biểu diễn làm hàng TCMN ngay tại hội chợ
Từng nức tiếng thơm
Phát triển thương hiệu TCMN là tri ân với lịch sử, trách nhiệm với tương lai, mà sự hỗ trợ của EU thông qua Dự án EU-MUTRAP là cơ hội tốt cần tranh thủ.
Nhưng do những khúc quanh của lịch sử, hàng TCMN Việt Nam vẫn còn phải trải qua những bước gập ghềnh. Một số ngành nghề vẫn mang tính tự phát, tản mát. Kiểu dáng, chất lượng, mẫu mã, đề tài chậm đổi mới, chưa tương xứng với nội hàm văn hóa của loại sản phẩm đặc trưng này. Do lúng túng về nguồn nguyên liệu nên sản xuất chưa ổn định, thậm chí có một số loại nguyên liệu phụ thuộc vào nước ngoài. Sức cạnh tranh còn hạn chế. Liên kết giữa các làng nghề, các DN chưa mật thiết. Sức sáng tạo của nghệ nhân chưa được khơi dậy. Trong những năm mở cửa, thị hiếu với hàng TCMN từ bên ngoài đã dội vào, thức tỉnh những suy nghĩ tìm tòi, song việc chuyển hóa thành sáng tạo ở Việt Nam còn bất cập. Hệ quả là hàng TCMN tiêu thụ trên “sân nhà” có lúc còn bí bách. Đường xuất ngoại vì vậy cũng chưa thông.
Sản phẩm khảm trai Chuyên Mỹ “nức tiếng gần xa”
Hơn thế nữa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước mắt là cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015 cũng tạo thách thức đối với hàng TCMN Việt Nam. Mặt hàng này không phải độc chiêu của ta. Các nước trong ASEAN và các đối tác đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với AESAN cũng từng là cái nôi của hàng TCMN, tính truyền thống, sự tinh xảo, khả năng cạnh tranh… không thua kém hàng Việt Nam.
Để tạo sức bật cho ngành hàng TCMN, các giải pháp phải có tính đồng bộ, trong đó, vấn đề nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã và xây dựng thương hiệu là một trong những điểm mấu chốt.
Đường hướng đã rõ
Trước mắt, phải xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển, kế hoạch hành động cho toàn đơn vị cũng như đối với từng nhóm, mặt hàng, tạo được một hoặc một số mặt hàng tiêu biểu, giá trị cao. Lập vùng nguyên liệu bền vững cho từng nhóm mặt hàng, tiến tới thành lập trung tâm cung ứng nguyên liệu quốc gia, đảm bảo sản xuất ổn định theo mẫu thiết kế. Tập hợp các cơ sở vào các khu công nghiệp để đưa kỹ thuật mới, cải tiến kiểu dáng, đồng đều chất lượng theo quy chuẩn, số lượng ổn định, xử lý vệ sinh môi trường. Ban hành bộ quy chuẩn về ngành hàng TCMN tới từng nhóm, mặt hàng hợp tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng thống nhất trong cả nước, kiểm tra thực hiện các quy chuẩn đó. Tiếp đến, mời các chuyên gia thiết kế, xây dựng thương hiệu tới các cơ sở hướng dẫn cho lớp thợ cả, đầu đàn, từ đó nhân rộng ra các đội ngũ thiết kế, các tay nghề ở các cơ sở theo hình thức tự đào tạo hay liên kết đào tạo qua trung tâm đào tạo nguồn lực. Lập trung tâm thiết kế tạo mẫu mới, phòng trưng bày, giới thiệu mẫu, lưu truyền, phát triển nghề, tôn vinh nhà thiết kế, trọng dụng nghệ nhân, động viên tay nghề trẻ. Kết nối các DN, các làng nghề trong nước, tham dự các hội chợ triển lãm hàng TCMN ở nước ngoài để học kinh nghiệm quản lý, tìm hiểu thủ pháp sản xuất, nắm bắt thị hiếu khách hàng của quốc tế… Sau đó, hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp từ sản phẩm bên trong đến bao bì, đóng gói bên ngoài, khẳng định thương hiệu của hàng hóa, của DN, làng nghề. Khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất sạch, thiết bị đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển phân khúc thị trường sản phẩm có giá trị cao, thương hiệu uy tín. Với các mẫu mã mới qua khảo nghiệm trên thương trường, tiếp tục hoàn thiện. Với những thương hiệu đã có phải giữ gìn, nâng cao uy tín, chống làm giả, làm nhái. Cuối cùng, chú trọng khu vực miền xuôi, đồng bằng, không quên miền núi, nơi xa, nhất là vùng đã có truyền thống, khơi dậy sức sáng tạo của các dân tộc anh em, phát triển đồng đều trong cả nước, gắn với các chương trình mục tiêu: Phát triển công nghiệp nông thôn, giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới. Đề cao vai trò của các hội nghề nghiệp trong ngành hàng này, trong đó Vietcraft có vị thế xứng đáng. Củng cố và nâng cao hiệu quả cung cấp các dịch vụ cho ngành hàng TCMN như tập hợp dữ liệu, lưu giữ hồ sơ trên mạng thông tin điện tử kết hợp với các phương tiện để khách hàng trong và ngoài nước tìm hiểu, lựa chọn đối tác.
Những đường hướng nhằm nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã và xây dựng thương hiệu cho ngành hàng TCMN, ở các mức độ khác nhau, đã được thực thi ở Việt Nam, một số địa phương, nhóm nghề. Song do năng lực còn bất cập nên kết quả chưa được như mong muốn. Với sự hỗ trợ nhiều mặt, thiết thực của EU qua Dự án E-MUTRAP, kỳ vọng ngành hàng TCMN Việt Nam sẽ ngày càng khởi sắc. |
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: