Giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư máy móc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mang thương hiệu Bà Rịa-Vũng Tàu và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiếp tục là mục tiêu quan trọng của hoạt động khuyến công năm 2024.
Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh nghiệm thu phòng trưng bày được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của Công ty Thảo Chi (Châu Đức)
Hỗ trợ thiết thực
Trước đây, công đoạn luộc, hấp hải sản tại nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu Lộc An (huyện Đất Đỏ), chi nhánh của Công ty CP sản xuất dịch vụ và thương mại Thuận Huệ được thực hiện thủ công, đun nấu bằng củi. Do đó, công suất khá thấp, chất lượng sản phẩm cũng không đồng đều. Năm 2024, DN này đã đầu tư hơn 460 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn khuyến công của tỉnh hỗ trợ 230 triệu đồng mua dây chuyền luộc, rửa và làm nguội tự động hải sản.
Ông Trần Đức Hội, Phó Giám đốc Công ty Thuận Huệ cho biết, với dây chuyền này, năng suất hấp, luộc hải sản của nhà máy tăng lên bình quân 5-6 tạ/ giờ, gấp 3 lần trước đây. Hệ thống máy mới còn có công dụng làm lạnh hải sản đột ngột nên chất lượng sản phẩm được tăng lên. Thay vì làm từng mẻ như trước thì dây chuyền này có thể hoạt động liên tục nên DN chủ động được năng lực sản xuất mùa cao điểm. Ước tính lợi nhuận của DN tăng thêm khoảng 500 triệu đồng/ năm.
“Những năm qua, chúng tôi liên tục đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc, trong đó, có sự hỗ trợ lớn từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đến nay, nhiều loại hải sản đóng gói của Thuận Huệ đã được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp và xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc…”, ông Hội nói.
Cùng với hỗ trợ các DN đầu tư máy móc, nguồn vốn khuyến công năm 2024 còn giúp cơ sở CNNT đầu tư các phòng trưng bày sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Như Công ty TNHH kỹ thuật Thảo Chi (huyện Châu Đức) có bộ sản phẩm xơ mướp nhà bếp và nhà tắm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022 vừa được hỗ trợ 40 triệu đồng.
Việc đầu tư phòng trưng bày giúp Công ty TNHH kỹ thuật Thảo Chi có thêm địa điểm giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm của cơ sở, đặc biệt là các sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu. Ông Phạm Văn Đoàn, Giám đốc Công ty Thảo Chi cho biết, khách hàng bây giờ không chỉ quan tâm chất lượng mà còn hình thức, mẫu mã sản phẩm. DN tạo ra sản phẩm tốt nhưng công tác quảng bá cũng rất quan trọng. Do đó, việc đầu tư phòng trưng bày đẹp giúp các sản phẩm xuất hiện “lung linh”, tạo ấn ượng đẹp trong mắt khách hàng, qua đó mở ra cơ hội mở rộng thị trường, tăng doanh thu.
Nguồn khuyến công hỗ trợ 230 triệu đồng giúp Công ty Thuận Huệ đầu tư máy hấp, luộc hải sản với năng suất tăng gấp 3 lần trước đây.
Tạo thêm nhiều sản phẩm CNNT tiêu biểu
Theo ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, nguồn vốn khuyến công năm 2024 được phê duyệt gần 4,6 tỷ đồng, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ: đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, chương trình khuyến công; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động khuyến công; phát triển sản phẩm CNNT. Đặc biệt là hỗ trợ cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tự động hóa sản xuất.
Trong đó, hoạt động khuyến công ưu tiên nhiệm vụ hỗ trợ cơ sở CNNT liên quan đến lĩnh vực môi trường; xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. “Trung tâm cũng hỗ trợ các hoạt động tư vấn nhằm nâng cao năng lực quản trị DN, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia…”, ông Cường nói.
Để hoạt động khuyến công đạt hiệu quả cao hơn, nhiệm vụ quan trọng là rà soát, xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Ngoài nguồn vốn ngân sách, việc vận động các DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia xã hội hóa hoạt động khuyến công nhằm hỗ trợ sản xuất, tạo dựng được thương hiệu cho nhiều sản phẩm cũng là một hướng đi phù hợp.
Bài, ảnh: QUANG VINH-BÁO BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Bình luận bài viết này