Mô hình trình diễn “Mạ lưới thép bằng hệ thống lò điện liên hoàn”: Lợi ích nhân đôi
Không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng doanh thu, mô hình “Mạ lưới thép bằng hệ thống lò điện liên hoàn” còn tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, giảm ô nhiễm môi trường. Từ những hiệu quả đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1) đã chọn làm mô hình trình diễn kỹ thuật để nhân rộng.
Sản xuất mạ lưới thép tại Công ty TNHH Hồng Phát
Theo đại diện Công ty TNHH Hồng Phát (Khu công nghiệp Hòa Xá, TP. Nam Định)- đơn vị thụ hưởng đề án, sau khi khảo sát thực tế cũng như tham khảo các đơn vị cung cấp thiết bị có uy tín, doanh nghiệp đã lựa chọn đầu tư hệ thống lò điện liên hoàn để mạ dây lưới thép, trong đó có dây chuyền kéo rút thép. So với lò đốt sử dụng công nghệ đốt than truyền thống, hệ thống lò điện ưu điểm khởi động nhanh, nhiệt lượng có tính ổn định cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí.
Với hệ thống máy móc tiên tiến đã đầu tư, sản phẩm dây thép mạ kẽm của công ty đạt được những chỉ tiêu khắt khe về độ bền, tính thống nhất, đặc biệt là khả năng chống ăn mòn cao, tạo ưu thế cạnh tranh vượt trội của sản phẩm trên thị trường.
Cũng theo đại diện đơn vị thụ hưởng, thị trường tiêu thụ sản phẩm dây thép mạ kẽm chủ yếu là thị trường nội địa. Trong thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục quảng bá sản phẩm, khai thác thị trường mới, thị trường tiềm năng nhằm tăng thị phần phát huy tối đa công suất của dây chuyền thiết bị.
Theo tính toán, sau 4 năm đi vào hoạt động, hệ thống thiết bị sản xuất sẽ đạt 100% công suất với 8.000 tấn sản phẩm/năm, lợi nhuận bình quân đạt được trong 5 năm là trên 2,868 tỷ đồng/năm, thời gian thu hồi vốn đầu tư khoảng 4 năm.
Kết quả phân tích cho thấy, dự án có tính khả thi cao, bảo đảm cho doanh nghiệp có thể tự vay, tự trả đối với phần vốn vay, đồng thời có khả năng bảo toàn và phát triển vốn tự có của doanh nghiệp. Nhờ có dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất lao động tăng hơn 2 lần, theo đó giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, dự án còn mang ý nghĩa xã hội khi giúp người lao động “ly nông bất ly hương”. Mô hình sẽ tạo việc làm cho hơn 60 lao động, với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhận thấy những hiệu quả của mô hình mang lại, IPC1 đã chọn và phối hợp với Công ty TNHH Hồng Phát xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để nhân rộng. Mô hình nằm trong dự án “Xây dựng nhà xưởng mạ dây lưới thép bằng hệ thống lò điện liên hoàn” được doanh nghiệp triển khai từ đầu năm 2014. Dự án có tổng vốn đầu tư 13,2 tỷ đồng, công suất thiết kế 8.000 tấn sản phẩm/năm. Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, IPC1 đã hỗ trợ 325,3 triệu đồng giúp doanh nghiệp đầu tư dây chuyền kéo rút thép trong hệ thống thiết bị.
Đánh giá cao về mô hình, ông Nguyễn Minh Văn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nam Định – cho rằng: Mô hình trình diễn kỹ thuật “Mạ lưới thép bằng hệ thống lò điện liên hoàn” là một trong những điển hình về ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Hệ thống thiết bị này không chỉ giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn mà quan trọng hơn cả còn tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Được biết, sau khi mô hình được tổ chức trình diễn, đơn vị thụ hưởng sẽ tiếp tục phối hợp với IPC1 hoàn thiện hồ sơ, quy trình công nghệ giới thiệu đến các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực nhằm nhân rộng mô hình.
Từ đầu năm tới nay, IPC1 đã hỗ trợ và tổ chức giới thiệu nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật. Các mô hình này đều ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất như: Mô hình trình diễn kỹ thuật “Sản xuất máy trộng đảo bê tông liên hoàn”; Mô hình trình diễn “Mạ lưới thép bằng hệ thống lò điện liên hoàn”…
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: