Mối lo “Việt Nam sẽ mãi khác biệt với thế giới”
“Việt Nam đang đi trước trong hội nhập. Tất cả các đối tác lớn trên thế giới đều nằm trong FTA với Việt Nam nhưng 5-7 năm nữa, không tận dụng được cơ hội thì chúng ta sẽ mãi là chúng ta, Việt Nam sẽ mãi khác biệt với thế giới.
Cơ hội “trời cho”
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015 diễn ra ngày 13/12, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết chỉ còn 2 tuần nữa cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành.
AEC có 4 mục tiêu gồm: Thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất, đảm bảo tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động; hình thành khu vực kinh tế cạnh tranh; đảm bảo phát triển cân bằng; hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Theo Chủ tịch VCCI, trong số Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì sự cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất hiện nay, cao hơn cả so với TPP và các FTA khác.
Cơ hội cho doanh nghiệp khi AEC hình thành đó là mở ra nhiều thị trường cho doanh nghiệp, tạo ra sự cạnh tranh, tạo khí thế và động lực mới cho doanh nghiệp…
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, về bản chất của AEC không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, tương đối lỏng và không tương thích nhiều. AEC thực chất là đích hướng tới, thông qua các nước ASEAN hiện thực hóa các mục tiêu trên. AEC là tiến trình hội nhập khu vực chứ không phải thỏa thuận, cam kết thực chất. Nhiều mục tiêu hướng tới là khát vọng chứ không phải bắt buộc.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015 |
Nhận định về sự chuẩn bị của Việt Nam trước thềm AEC, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng giống như cách nhìn của người chơi cờ.
Ông cho rằng AEC là một chiến lược, là cơ hội quyết định để Việt Nam tạo lập nền tảng phát triển thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, ông Thành cũng lo ngại, 5- 7 năm nữa, Thái Lan, Philipines, Indonesia…cũng có khả năng sẽ vào TPP, lợi thế của Việt Nam sẽ ít đi. Cũng chừng đó thời gian, nếu EU đàm phán lại với ASEAN, Việt Nam cũng mất đi rất nhiều lợi thế.
Do đó ông khẳng định đây là cơ hội trời cho của Việt Nam: “Việt Nam đang đi trước trong hội nhập. Tất cả các đối tác lớn trên thế giới đều nằm trong FTA với Việt Nam nhưng 5-7 năm nữa, không tận dụng được cơ hội thì chúng ta sẽ mãi là chúng ta, Việt Nam sẽ mãi khác biệt với thế giới”.
Không gây sốc cho doanh nghiệp
“Như vậy, AEC là một tiến trình và thật ra thời điểm 01/01/2016 là thời điểm tuyên bố hình thành AEC, là điểm khởi đầu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN chứ ko phải là điểm kết thúc của tiến trình này. Để là một cộng đồng kinh tế đúng nghĩa như EU thì còn một thời gian rất xa nữa, chưa thể ấn định”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.
Vì vậy thời điểm 01/01/2016 đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ không có gì thay đổi đáng kể so với hiện tại, không tác động gây sốc cho doanh nghiệp. Nó vẫn là tiến trình để chúng ta thực hiện cam kết theo lộ trình đặt ra.
Ông Nguyễn Hồng Cường, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), cũng cho biết AEC đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng ASEAN trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hợp tác mở rộng với bên ngoài, hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.
“AEC có mức độ liên kết cao hơn Hiệp định, nhưng chưa chặt chẽ đến mức như EU và không phải là một tổ chức siêu quốc gia. Đây thực chất vẫn là một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”, có sự khác biệt khá lớn giữa các nước thành viên, nhất là về chế độ chính trị và trình độ phát triển cũng như tính toán chiến lược phức tạp trong quan hệ với các nước lớn”, ông Cường cho hay.
Khẳng định cơ hội dành cho Việt Nam là rất lớn nhưng TS. Thành vẫn nhấn mạnh: “Chúng ta phải nghiên cứu nước cờ chơi như thế nào. Đã đến lúc chúng ta phải chuyển sang cách chơi, thế cờ khác với đối phương thì mới có thể thắng được trên sân chơi hội nhập”.
Ngày 28/7/1995, Việt Nam đã chính thức gia nhập khối ASEAN.
Tại hội nghị Bali diễn ra vào tháng 10 năm 2003, các lãnh đạo ASEAN đã đưa ra tuyên bố về việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015. Với mục tiêu phát triển ASEAN thành khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đàu tư và vốn được lưu chuyển tự do, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế- xã hội được giảm bớt vào năm 2020.
AEC là sự hội nhập của các quốc gia thành viên ASEAN thành 1 khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của 1 khu vực có dân số 650 triệu người, tổng GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD. Nếu thành công, AEC là sự hòa nhập khu vực 1 cách toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nền kinh tế thành viên.
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: