Ngày Pháp luật năm 2015 tiếp tục tôn vinh Hiến pháp, pháp luật
Ngày Pháp luật Năm 2015 có chủ đề “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật 9/11 năm nay sẽ tập trung trong hai tháng, bắt đầu từ 1/10 đến ngày 31/11/2015, trong đó cao điểm trong tuần lễ từ ngày 2-9/11/2015.
Tổ chức Ngày Pháp luật năm 2015 nhằm tiếp tục tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội; khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của Ngày Pháp luật và vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. Ngày Pháp luật được tổ chức góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; phản ứng chính sách linh hoạt; làm sâu sắc hiểu biết về nội dung, tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong việc tham gia xây dựng, thực hiện các luật, pháp lệnh, văn bản pháp luật mới nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng; đảm bảo Ngày Pháp luật thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả trong đời sống chính trị – pháp lý của đất nước, góp phần tích cực khẳng định những thành quả 70 năm xây dựng và hoàn thiện của Nhà nước và Pháp luật dân chủ nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, niềm tin và đóng góp của nhân dân vào sự thành công của Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Qua đó, phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; lên án, phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, hành vi lệch chuẩn xã hội.
Yêu cầu tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật 2015 bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm, không phô trương, hình thức; huy động mọi nguồn lực xã hội gắn với khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò nòng cốt của Ngành Tư pháp, tổ chức pháp chế trong công tác này. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện đặc thù; bám sát các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của Bộ ngành địa phương, gắn với triển khai các nhiệm vụ, chuyên môn của cơ quan đơn vị, các hoạt dộng đoàn thể xã hội, các phong trào quần chúng.
Nội dung tập trung tuyên truyền quán triệt, phổ biến sâu rộng về vị trí, vai trò, nội dung, tinh thần của Hiến pháp và pháp luật, nhất là những quy định mới; chú trọng pháp luật về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, khu vực biên giới; các quy định liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, người lao động, doanh nghiệp; về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đối với cán bộ, công chức, tập trung quán triệt những nội dung, tinh thần và những điểm mới của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật chính quyền địa phương, Luật ngân sách Nhà nước, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, công vụ, nội quy, quy chế nội bộ.
Đối với nhân dân, tập trung tuyên truyền, phổ biến giới thiệu: nội dung, những điểm mới của Luật doanh nghiệp; Luật đầu tư; Luật hộ tịch; Luật căn cước công dân; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật an toàn, vệ sinh lao động; Luật bảo hiểm xã hội và các quy định mới ban hành có liên quan trực tiếp đến quyền, lại ích hợp pháp của người dân.
Tuyên truyền, phổ biến các điểm mới dự kiến sửa đổi, bổ sung, thay thế trong dự thảo các văn bản dự kiến sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và năm 2016 như: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tạm giữ, tạm giam; Luật trưng cầu ý dân; Luật biểu tình; Luật báo chí; Luật tiếp cận thông tin; Luật ban hành quyết định hành chính; Luật về hội; Luật quy hoạch và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trọng tâm là Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; các thỏa thuận của Cộng đồng ASEAN về thương mại, dịch vụ, đầu tư, thuế, hải quan, các thỏa thuận về kinh tế với Liên minh kinh lế Á – Âu, Liên minh Châu Âu, đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương…
Giáo dục ý thức tôn trọng, bảo vệ và chấp hành pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; lồng ghép phổ biến pháp luật với giáo dục truyền thống, quá trình xây dựng, phát triển của đất nước, của Bộ, ngành, địa phương; về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cải cách tư pháp, cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật với các chương trình, cuộc vận động, phong trào, hoạt động kỷ niệm những sự kiện đặc biệt của đất nước, của Bộ, ngành, địa phương trong năm 2015.
Phản ánh, xây dựng các mô hình triển khai Ngày Pháp luật thiết thực, chất lượng và hiệu quả, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Lễ Công bố Ngày pháp luật năm 2013, nhất là công tác xây dựng, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiêm chỉnh thi hành pháp luật; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp và pháp luật gắn với nâng cao ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý./.
Cổng thông tin điện tử Bộ Tư Pháp
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: