Nhiều cơ hội lớn cho ngành da giày Việt Nam
Chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu da giày 2015 do Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội da giày- túi xách Việt Nam (Lefaso), nhiều chuyên gia cho biết, ngành da giày Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn.
Da giày Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển.
Ông Diệp Thành Kiệt – Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, cùng với thị trường tiêu thụ rộng mở, xu hướng dịch chuyển của các nhà nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam và cơ cấu dân số vàng đang là cơ hội tốt cho sự phát triển của ngành da giày trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sự ổn định về chính trị, chi phí, chất lượng nhân công còn cạnh tranh và chính sách khuyến khích xuất khẩu cũng đang mang đến cho ngành da giày nhiều thuận lợi.
Theo ông Kiệt, chúng ta hoàn toàn có thể đón đầu cơ hội này bởi năng lực phát triển của ngành da giày trong thời gian qua bền vững hơn hẳn các ngành khác. Xét trong giai đoạn từ năm 2009 – 2014, trong khi các ngành nghề khác gặp nhiều khó khăn do bị tác động từ thị trường thế giới, khiến cho hoạt động sản xuất giảm sút, song, với ngành giày dép, trong tất cả các năm ở giai đoạn này đều đạt sự tăng trưởng xuất khẩu ở các thị trường.
Tới nay Việt Nam đã nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Italia. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước và vùng lãnh thổ. Tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giày dép Việt Nam đang tiếp tục tăng thị phần. Đối với sản phẩm túi xách, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cũng rất nhanh và hiện đã có mặt tại trên 40 nước và vùng lãnh thổ.
Ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Lefaso cho biết, ngành da giày đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 22 tỷ USD, và đạt 30 tỷ USD đến năm 2030.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù có nhiều cơ hội nhưng nội tại ngành da giày Việt Nam đang có nhiều thách thức phải vượt qua. Trong đó, điểm yếu của ngành da giày đang vướng là do quy mô DN nhỏ nên thiếu vốn, kỹ thuật. Đồng thời không có sự chủ động do thiếu ngành công nghiệp hỗ trợ. Khả năng cung ứng nguyên phụ liệu tại trong nước mới đạt 24,5%, còn lại đa phần phải nhập khẩu.
Để hỗ trợ ngành da giày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ Công Thương đã đưa ra các chương trình quy hoạch về phát triển ngành da giày, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày để gia tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, sắp tới Bộ Công Thương sẽ tổ chức chương trình nhận diện thương hiệu Việt, trong đó sẽ đưa sản phẩm da giày của DN Việt Nam sản xuất vào hỗ trợ. Thông qua chương trình này, các DN da giày sẽ được đào tạo, hỗ trợ quảng bá hình ảnh và tuyên truyền thông tin về sản phẩm tới người tiêu dùng Việt Nam.
Ngoài ra, để tiến tới các mục tiêu tăng trưởng của ngành, hiện, Bộ Công Thương đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động như hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ, xây dựng trung tâm đào tạo cán bộ tập trung và các chương trình đào tạo nghề nhằm giúp DN tiết giảm chi phí.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ chính sách của Bộ Công Thương, bản thân các DN trong ngành cũng cần có các chính sách phát triển bền vững hướng về phát triển thị trường nội địa và ngành công nghiệp hỗ trợ còn đang non trẻ.
Theo Báo Công Thương
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: