Tăng cường liên kết cùng phát triển
Thời gian qua, ngành Công Thương các tỉnh, thành phố phía Nam đã tích cực khuyến khích xã hội hóa nhiều hoạt động phát triển công nghiệp, huy động các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất CN – TTCN, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết phát triển bền vững, chủ động hội nhập…
Bà Trần Thị Hồng- Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước: Lợi ích của chương trình kết nối
Dự kiến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp Bình Phước tăng 9,45% so cùng kỳ năm trước. Để duy trì nhịp độ phát triển ngành, Sở Công Thương Bình Phước đã xây dựng các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến DN thuộc các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh cao và sử dụng nguyên liệu tại chỗ (cao su, tinh bột sắn, điều, nhiên liệu sinh học, xi măng, clinker, khai thác đá…); xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp- thương mại phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Bình Phước.
Trong hoạt động liên kết phát triển ngành Công Thương địa phương, cuối tháng 7/2014, các DN phân phối lớn ở TP.Hồ Chí Minh và hơn 40 DN, trang trại, hợp tác xã của tỉnh Bình Phước đã thực hiện kết nối, trao đổi và thỏa thuận hợp tác về việc cung ứng và phân phối các sản phẩm: Thủ công mỹ nghệ, cà phê, điều, mật ong, ca cao, cao su… Qua chương trình kết nối, các DN Bình Phước có cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ, ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồng thời các nhà phân phối tại TP.Hồ Chí Minh được tiếp cận với nguồn nguyên liệu, sản phẩm của Bình Phước.
Ông Võ Văn Cư – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương: Đầu tư phát triển dịch vụ chất lượng cao
Dự ước giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 của Bình Dương đạt 216.597,7 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2014. Bình quân giai đoạn 2011- 2015, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,7%/năm. Giá trị tăng thêm công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2015 đạt 43.993,1 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2011- 2015 tăng 8,7%/năm.
Thời gian qua, Bình Dương đã tập trung đầu tư phát triển dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển các ngành dịch vụ có tính đột phá, qua đó tạo điều kiện để khu vực dịch vụ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Dự ước năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt 130.401 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2014; bình quân giai đoạn 2011- 2015 tăng 23,5%/năm.
Bình Dương tăng cường công tác đối thoại với DN, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thực hiện có hiệu quả nhiều biện pháp kích cầu, nhất là đầu tư phát triển mạnh thị trường trong nước cũng như mở rộng thị trường ngoài nước, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của Trà Vinh thực hiện 8.004,27 tỷ đồng, tăng 9,89% so cùng kỳ năm trước. Một số dự án, công trình trọng điểm của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã khởi công xây dựng và đang hoàn thành dần theo từng giai đoạn như: Cầu Cổ Chiên nối liền hai tỉnh Trà Vinh- Bến Tre đã đưa vào sử dụng; Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã hoàn thành đang chạy thử nghiệm, dự kiến sẽ vận hành vào quý 4/2015 sẽ góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế kinh tế địa phương nói chung và ngành công thương nói riêng.
Hiện nay, ngành Công Thương Trà Vinh đang tập trung tiếp cận, tháo gỡ khó khăn, khuyến khích DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước, tìm đầu ra cho các mặt hàng có thế mạnh như: thủy, nông sản…; tiếp tục rà soát những thủ tục hành chính không cần thiết để tham mưu UBND tỉnh bãi bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang: Hình thành nhiều chuỗi liên kết
Ngành Công Thương An Giang luôn năng động, sáng tạo qua từng thời kỳ để đóng góp đáng kể trong quá trình đổi mới, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tính đến nay, các DN từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác đến đầu tư phát triển tại An Giang ngày càng nhiều. Tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu với quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao. Đặc biệt, An Giang điều hành kết nối DN với vùng nguyên liệu nhằm củng cố, hình thành và phát triển các chuỗi liên kết, như: Liên kết tiêu thụ lúa, cá, rau màu, cây ăn trái, tôm càng xanh và đầu tư nhà màng, nhà lưới; liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu, đồng thời, đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối trực tiếp hàng nông- thủy sản. Tỉnh đang đẩy mạnh gắn kết DN với vùng nguyên liệu “cánh đồng lớn”, đây được xem là mô hình thành công nhất.
Ông Nguyễn Văn Lớp – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An: Củng cố, phát triển các mối liên kết
Đến nay, ngành công thương đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh 10,2%. Nhiều ngành công nghiệp chủ lực phát triển ổn định; việc hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn được thực hiện rộng rãi hơn trong các DN xuất khẩu gạo; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều tăng trưởng khá, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp như: Dệt may, giày dép, cơ khí; sức mua của người tiêu dùng tăng trưởng khá tốt…
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2015 là thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương; kịp thời thông tin, dự báo thị trường; tuyên truyền kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, giúp DN tận dụng cơ hội, mở rộng giao thương, phát triển thị trường; củng cố và phát triển mối liên kết hợp tác chặt chẽ và đạt hiệu quả cao với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Huỳnh Trung Trứ – Phó giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ: Nâng cao năng lực cạnh tranh
7 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 55.794,7 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thực hiện 89.657 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2014. Thời gian qua, các DN tập trung huy động nhiều nguồn lực để duy trì sản xuất, đổi mới công nghệ máy móc thiết bị, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần tích cực vào sự tăng trưởng công nghiệp của thành phố.
Ngành Công Thương Cần Thơ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ khuyến khích DN sản xuất, kinh doanh; phối hợp với ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan xác nhận diện tích liên kết sản xuất hoặc bao tiêu lúa của thương nhân xuất khẩu gạo theo Quyết định số 606/QĐ-BCTngày 21/1/2015 của Bộ Công Thương. Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất và thực hiện rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới các quy hoạch của ngành công thương theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND TP.Cần Thơ; triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ cho DN xuất nhập khẩu kịp thời nắm bắt các thông tin về hội nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.Cần Thơ trong thời gian tới.
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: