Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh (thứ 2 từ phải sang) tại tọa đàm |
Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong các cam kết mà Việt Nam phải thực hiện khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một trong những nội dung có tầm quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Mục tiêu của Việt Nam là đưa ra các sản phẩm hàng hóa có hàm lượng trí tuệ cao. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam đồng ý với các cam kết cao hơn trong TPP. Những quy định về SHTT trong TPP được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực quy định tại Hiệp định TRIPS (Bảo vệ sở hữu trí tuệ) của WTO, có bổ sung một số yêu cầu, quy định cao hơn, khắt khe hơn so với các quy định của các điều ước quốc tế hiện hành, đặc biệt trong vấn đề bảo đảm thực thi pháp luật về bảo hộ quyền SHTT.
Việc cho phép xử lý hình sự các hành vi vi phạm quyền SHTT là cách tiếp cận đi xa hơn cách tiếp cận trong WTO, chỉ xử lý hình sự khi vi phạm ở quy mô thương mại và thu lợi bất chính. Nhưng hiện nay, vấn đề thực thi pháp luật về bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam còn nhiều bất cập, đây cũng chính là điểm yếu khiến cho tình trạng vi phạm quyền SHTT còn khá nặng nề. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống cơ quan thực thi pháp luật bảo hộ quyền SHTT hiện nay còn yếu và thiếu, đội ngũ nhân lực mỏng và yếu, thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà…
Thứ trưởng Khánh cho biết thêm, cam kết trong TPP có những điều mà chúng ta chưa hề nghĩ tới như bảo hộ quyền tác giả cả mùi hương, âm thanh. Đó là thách thức thực sự với cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội.
Đây cũng là vấn đề đáng lo ngại khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ làm “bùng nổ” các tranh chấp về SHTT. Không phải ngẫu nhiên khi đầu tư vào Việt Nam, các tập đoàn lớn nước ngoài đều đề nghị Chính phủ Việt Nam cam kết chống các vi phạm về SHTT của họ.
Thực tế đó đặt các doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế vào trạng thái không dễ dàng và tốn kém khi muốn sớm tiếp cận, sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới, đặc biệt là khi thực hiện các quy định của TPP về bảo hộ đối với dược phẩm, trong đó có vấn đề gay cấn là bảo hộ cơ sở dữ liệu thử nghiệm, bảo hộ quyền SHTT đối với nông hóa phẩm.
Bên cạnh đó, mặt trái của sự bảo hộ là sự độc quyền, tước đi cơ hội của những nước nghèo hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết yếu như bảo đảm y tế và chăm sóc sức khỏe con người. Bởi khi tham gia TPP, người dân nghèo Việt Nam sẽ khó tiếp cận với những biệt dược do giá quá đắt, Thứ trưởng Khánh cho rằng: Vấn đề người nghèo phải giải quyết cách khác. Toàn xã hội chăm lo người nghèo. Đó mới là cách tiếp cận đúng đắn. Không thể lấy đó làm lý do để biện minh cho việc vi phạm SHTT với biệt dược…
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, Việt Nam đồng ý với những tiêu chuẩn của TPP, song sẽ thực hiện theo lộ trình, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực thực thi của mình. Việc áp dụng những quy định về SHTT trong TPP đòi hỏi Việt Nam không chỉ thay đổi quy định của pháp luật mà còn phải đổi mới tư duy, thay đổi cả phương pháp tiếp cận và phong cách làm việc. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền SHTT không chỉ giúp thu hút đầu tư nước ngoài trong khuôn khổ TPP nói riêng cũng như thu hút đầu tư nước ngoài nói chung mà còn thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo ở trong nước.
Thực hiện những cam kết bảo đảm quyền SHTT trong TPP chính là cơ hội để Việt Nam thay đổi, không chỉ giúp thu hút đầu tư nước ngoài mà còn thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong nước.
|
Theo Báo Công Thương.