Nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến sản xuất sạch hơn
Nghề truyền thống là một loại hình giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có liên quan mật thiết đến một làng nghề cổ truyền của một quốc gia, dân tộc. Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có rất ít làng nghề truyền thống, trong đó có một số nghề nổi tiếng như: Nghề đúc đồng ở Long Điền, nghề làm đá ở Tân Thành, nghề cá ở Phước Hải, nghề bún ở Long Kiên – thành phố Bà Rịa, Rượu Hòa Long, làm mỹ nghệ từ sò ốc…những làng nghề này như một hình ảnh đầy bản sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế của địa phương. Tuy nhiên, cùng với những thay đổi tích cực, các làng nghề cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề phải bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững. Hiện nay, các chất thải phát sinh từ nhiều làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường xung quanh, đặc trưng là những nghề sử dụng nhiều nguyên vật liệu củi, than, nước…đồng thời, làm tăng chi phí sản xuất trực tiếp của cơ sở, giảm sức cạnh tranh.
(Ảnh minh hoạ: Một cơ sở đúc đồng truyền thống đơn lẻ tại huyện Long Điền)
Mặt khác, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư, quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ cần tránh xa khu dân cư cần phải đồng bộ mặt bằng sản xuất, kết cấu hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn để xử lý tập trung… cần có thời gian, quy mô vốn rất lớn và cần có sự đồng thuận của các cấp…Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp hơn sản xuất ngay tại hộ gia đình kết hợp điều kiện sản xuất với cải thiện vệ sinh môi trường mà không phải di dời, không phải thay đổi quá nhiều tập tính lâu năm của làng nghề, nghề truyền thống.
Giải pháp thực hiện hướng đến sản xuất sạch hơn
Hiện nay, tại các làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh sản xuất chủ yếu sử dụng công cụ máy móc đơn giản, các thao tác thực hiện bằng tay, qua mỗi công đoạn dẫn đến hao hụt lãng phí nguyên liệu làm tăng chi phí sản xuất /đơn vị sản phẩm, tốn nhiều công lao động và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
(Ảnh minh hoạ: Một cơ sở sản xuất bún tại phường Long Kiên – thành phố Bà Rịa)
Trước tình hình trên, Chủ các cơ sở cần nâng cao nhận thức cũng như công tác quản lý môi trường tại cơ sở thông qua những giải pháp đơn giản nhất như: Quản lý nội vi, giải pháp này nhằm quan sát trong quá trình sản xuất, phát hiện những điểm gây phát thải và cách khắc phục, đây là giải pháp đơn giản nhất, dễ làm mà lại không tốn chi phí nhưng hiệu quả mang lại rất cao (hiệu quả giải pháp này chiếm khoảng 50 -70% trong các giải pháp sản xuất sạch hơn). Giải pháp cải tiến, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hơn vào sản xuất cũng rất hiệu quả đối với làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện nay vì khi áp dụng máy móc tự động hơn sẽ tinh giảm được một số công đoạn, giảm hao hụt, giảm công lao động thực hiện mà năng suất tăng lên, đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp đến khách hàng cũng như giảm lượng phát thải.
Sự đóng góp của làng nghề, nghề truyền thống đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng, của đất nước nói chung là rất to lớn. Song sự phát triển của làng nghề, nghề truyền thống phải bảo đảm tính bền vững, hài hòa các mặt kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Công Năm.
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: