Thúc đẩy phát triển điện gió tại Việt Nam
Việt Nam là nước được nhiều chuyên gia nhận định có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển điện gió. Nếu có các chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý và kịp thời, Việt Nam sẽ giải quyết phần nào nỗi lo thiếu điện nhờ điện gió.
Điện gió – xu hướng mới
Theo báo cáo từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, năng lượng điện gió đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2018, tổng công suất nguồn điện gió toàn thế giới khoảng trên 591GW, tăng bình quân khoảng 18%/năm giai đoạn 2008 – 2018.
Các nước có sản lượng điện gió lớn trên thế giới có thể kể đến, như: Trung Quốc sản xuất 366 tỷ kWh, chiếm 28,8% tổng sản lượng điện gió toàn thế giới; Mỹ 278 tỷ kWh, chiếm 22%; Đức sản xuất 112 tỷ kWh, chiếm 10,3 %…
Hiện quy mô công suất tuabin gió đạt khoảng 9MW và có thể lên 12MW vào năm 2021; đạt 15 – 20MW vào năm 2030…. Trong khi đó, suất đầu tư cho điện gió cũng đã có sự sụt giảm mạnh nhờ tiến bộ của công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Vy, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, tại Việt Nam, ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30GW điện gió. Cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển lên hàng trăm nghìn MW công suất điện gió.
Mặc dù vậy, hiện Việt Nam mới đưa vào vận hành khoảng 8 dự án, tổng công suất khoảng 300MW; đang xây dựng khoảng 10 dự án, tổng công suất khoảng 1.400MW. Đây vẫn còn là con số hạn chế so với tiềm năng, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi cho điện gió.
Trong khi đó, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – nhận định, điện gió trong những năm tới sẽ là giải pháp năng lượng sạch cho Việt Nam, bởi tiềm năng ở Việt Nam trong lĩnh vực này là rất lớn; trong đó phải kể đến đại dự án điện gió ngoài khơi Thanglong Wind – tỉnh Bình Thuận.
Dự án này có công suất 3.400MW, với số vốn lên đến 11,9 tỷ USD. Dự án này nếu được triển khai thành công ngoài việc sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai, thì đây cũng là một dự án tận dụng được các nhà thầu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa và có thể đưa Việt Nam tiến một bước mới trong lĩnh vực điện gió.
Ông Ngãi cũng cho rằng, sau điện mặt trời, điện gió sẽ là xu hướng phát triển mới và chủ đạo của ngành năng lượng Việt Nam trong những năm tới.
“Bệ phóng” nào cho điện gió?
Trong những tháng vừa qua, hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió tập trung tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đã chịu cảnh sa thải công suất, khi mà lưới điện truyền tải không theo kịp sự đầu tư của các dự án năng lượng tái tạo.
Theo ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy, chủ đầu tư dự án ThangLong Wind, vấn đề đấu nối của dự án điện gió cũng là một bài toán cần giải quyết. Bởi lẽ tại Việt Nam, phần truyền tải điện đang được quy định độc quyền trong Luật Điện lực và hiện vẫn chưa có cơ chế rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện đầu tư.
Riêng với dự án điện gió Thanglong Wind, ông Ian Hatton cho hay, hiện đơn vị cũng thảo luận với đơn vị tư vấn PECC3 về đấu nối hệ thống để xem hệ thống có thể chịu tải bao nhiêu MW và cần cải thiện như thế nào. Ngay từ giai đoạn đầu tiên, Tập đoàn Enterprize Energy sẽ xây dựng các sơ sở để đảm bảo kết nối dài hạn, như các trạm, đường chờ sẵn cho kết nối dưới lòng biển, để đảm bảo an toàn khi kết nối hệ thống, các giai đoạn tiếp theo khi kết nối vẫn có thể đảm bảo an toàn của hệ thống này.
Ông Trần Viết Ngãi cũng cho rằng, một vấn đề lớn cần quan tâm ngay từ bây giờ là Chính phủ và Bộ Công Thương nghiên cứu cho phép các đơn vị chuyên ngành lập quy hoạch về phát triển điện lực bổ sung vào Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh). Trong đó, cần xem dự án đường dây và trạm nào là dự án quan trọng được ưu tiên.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan tính toán hệ thống lựa chọn địa điểm để xác định cần bao nhiêu đường dây và trạm các cấp điện áp 500KV, 220kV, 110kV; Đặc biệt với dự án điện gió lớn như Thanglong Wind, cần đồng bộ với truyền tải nguồn công suất điện của dự án; để từ đó tính toán tổng mức đầu tư, mua sắm vật tư, thiết bị cho công việc xây dựng đường dây và trạm, kể cả công tác đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn…
Tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, mức giá mua điện 8,5 Uscents/kWh cho dự án trên đất liền và 9,8 Uscent/kWh cho dự án điện gió trên biển. Đây là mức giá được nhiều nhà đầu tư đánh giá là khá hấp dẫn và có thời hạn đến 1/11/2021.
Đây cũng là vấn đề khi mà thời gian để hưởng giá FIT ưu đãi đang đến gần. Giám đốc thương mại Công ty Mainstream Renewable Power Việt Nam – bà Hương Trần – cho hay , để xây dựng thành công dự án điện gió ngoài khơi, sẽ mất thời gian khoảng 2 năm cho mỗi giai đoạn dự án, các dự án trên đất liền sẽ có thời gian ngắn hơn. Trong khi đó, hạ tầng cho ngành điện hiện vẫn còn là rào cản: Lưới điện chưa sẵn sàng, thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài…
Kiến nghị về vấn đề này, ông Ian Hatton cho rằng, giai đoạn I của dự án Thanglong Wind sẽ được hòa lưới điện vào cuối năm 2022, đầu 2023 với công suất 600 MW. Như vậy, về thời gian, dự án sẽ không thể đi vào hoạt động để kịp hưởng mức giá ưu đãi trên.
“Chính phủ có thể có cơ chế giá sẽ theo hướng bậc thang xuống, ban đầu giá này có thể cao, nhưng sau trong quá trình thực hiện dự án có thể hạ giá này xuống. Điều này sẽ giúp chúng tôi huy động tài chính một cách dễ dàng hơn”, ông Ian Hatton nói.
Cùng quan điểm trên, ông Ngãi cũng cho rằng, các dự án điện gió ngoài khơi có công nghệ cao, thi công phức tạp và thời gian kéo dài hơn so với các dự án trong đất liền. Do vậy, chính sách về giá là chính sách đặc biệt mà Chính phủ có thể quan tâm để thu hút mạnh hơn các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, với các dự án điện gió, ông Ngãi cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập mẫu PPA chuẩn, đưa các điều khoản, điều kiện để nhà đầu tư họ thấy tính thuận lợi chỗ nào, cả về kỹ thuật, kinh tế, cơ chế, chính sách, giá ưu đãi…
Theo bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp hội Điện gió toàn cầu, hiện hợp đồng mua bán điện đối với điện gió của Việt Nam vẫn chưa được chuẩn hóa nên tạo ra nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy, thời gian tới, các hợp đồng mua bán điện phải được chuẩn hóa; quy trình phê duyệt dự án cần đơn giản, rõ ràng hơn để có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này.
Để làm rõ hơn giá trị kinh tế của điện gió ngoài khơi với nền kinh tế Việt Nam và hướng tháo gỡ những khó khăn, vào ngày 6/12, Đại sứ quán Vương quốc Anh, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cùng Tập đoàn Enterprize Energy sẽ tổ chức hội thảo: ThangLong Wind – Sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam.
Theo congthuong.vn
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: