Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ gia dụng
Ngành sản xuất và chế biến gỗ gia dụng tại Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng. Tuy vậy, ngành gỗ vẫn phải vượt qua rất nhiều trở ngại về nguyên liệu cũng như máy móc thiết bị hiện đại phục vụ trong sản xuất. Từ tình hình của cơ sở, nhận thấy được những hạn chế trên, Cơ sở mộc Hai Lâm trong năm 2022 đầu tư máy máy chà nhám thùng để nâng cao năng lực sản xuất, giảm chi phí, cũng như đảm bảo an toàn lao động tại cơ sở.
Thực hiện chương trình khuyến công địa phương năm 2022 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Công văn số 3104/UBND-VP ngày 16 tháng 3 năm 2022 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc kinh phí thực hiện Kế hoạch khuyến công địa phương và tiết kiệm năng lượng năm 2022; Theo đó, năm 2022 Hộ kinh doanh cơ sở mộc Hai Lâm, tổ 13, ấp Mỹ An, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được phê duyệt nguồn kinh phí Khuyến công địa phương để hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, cụ thể: Máy chà nhám thùng model: SM 1300RP, máy mới 100%, xuất xứ: Trung Quốc với tổng giá trị đầu tư là 329.400.000 đồng, trong đó cơ sở được hỗ trợ 150.000.000 đồng từ nguồn kinh phí khuyến công đại phương.
Vừa qua ngày 08/07/2022, Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với UBND xã Long Mỹ, phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đất đỏ tổ chức buổi nghiệm thu nhiệm vụ Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chế biến gỗ gia dụng cho Hộ kinh doanh cơ sở mộc Hai Lâm.
Buổi làm việc nghiệm thu nhiệm vụ Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chế biến gỗ gia dụng Hộ kinh doanh cơ sở mộc Hai Lâm
Tham gia buổi nghiệm thu gồm đại diện Sở Công Thương bà Vũ Bích Hảo; đại diện Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp ông Huỳnh Trung Hải; đại diện UBND xã Long Mỹ, phòng Kinh tế – hạ tầng huyện Đất Đỏ và cơ sở thụ hưởng. Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị thụ hưởng ông Phạm Văn Lâm – Chủ cơ sở, đã báo cáo đoàn nghiệm thu về nội dung, tiến độ, những khó khăn cũng như thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Theo đánh giá của đơn vị thụ hưởng, trước đây các công đoạn chà nhám cần 04 lao động chà nhám đòi hỏi tốn nhiều công thợ có tay nghề, năng suất thấp, chất lượng không đồng đều, không cung cấp đủ sản phẩm cho khách hàng trong mùa cao điểm cuối năm, trong khi đó việc tuyển thợ có tay nghề rất khó khăn.
Vì vậy, sau thời gian triển khai đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào phục vụ công đoạn chà nhám chỉ cần sử dụng 01 lao động vào việc vận hành máy, số lao động dôi dư sẽ chuyển sang công đoạn sản xuất khác như cưa xẻ gỗ, lắp ráp, sơn… Sử dụng máy chà nhám thùng giúp tăng năng suất gấp nhiều lần so với trước đây làm thủ công, đồng thời chất lượng sản phẩm đảm bảo tính đồng đều cho tính thẩm mỹ cao, nâng cao chất lượng, giảm phế phẩm cũng như đảm bảo môi trường khu vực làm việc và an toàn lao động.
Đầu tư máy móc, thiết bị giúp cơ sở tạo việc làm ổn định cho 05 lao động tại địa phương với mức lương trung bình 6.000.000 đồng/ tháng. Người lao động được huấn luyện phù hợp với yêu cầu vị trí công việc và đủ năng lực sử dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Trong quá trình hoạt động, máy móc đầu tư sẽ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường khu vực hoạt động của cơ sở, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu đầu vào.
Qua kiểm tra xem xét thực tế tại đơn vị thụ hưởng nhiệm vụ, cũng như các thành phần hồ sơ. Máy móc mới được hỗ trợ mang tính tiên tiến, hiện đại đảm bảo sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, năng suất cao, sử dụng nguyên nhiên liệu hiệu quả, đáp ứng đúng các yêu cầu của hợp đồng hỗ trợ đã ký kết. Dự kiến sau khi đầu tư, cơ sở sẽ tăng năng lực sản xuất để có thể nhận thêm các đơn hàng lớn hơn, tăng chất lượng và đa dạng các sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp luôn đồng hành hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong các chương trình khuyến công. Trong đó, việc hỗ trợ đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, thiết bị để giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm luôn được Trung tâm hỗ trợ kịp thời. Thực tế cho thấy, sau khi được hỗ trợ, các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất hoạt động ổn định, lợi nhuận tăng, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
NGÂN TRẦN
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: