Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm dệt may
Được hỗ trợ mua máy móc thiết bị, Công ty TNHH SX-DVTM Vân Nam (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) đã ký kết nhiều đơn hàng với số lượng lớn. Ảnh: THANH TRÍ |
Theo đánh giá của Sở Công thương, các DN dệt may trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chủ yếu là nhà cung cấp sản phẩm gia công dựa trên chi phí thấp nên rất dễ bị thay thế. Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, việc xây dựng các hoạt động hỗ trợ DN dệt may phát triển các mặt hàng có giá trị gia tăng cao là rất cần thiết.
Những năm gần đây, ngành dệt may đã đóng góp đáng kể vào giải quyết việc làm và nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Theo Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2016, các DN dệt may trên địa bàn tỉnh xuất khẩu được 39,63 triệu USD, giải quyết việc làm cho gần 13.000 lao động. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 32 DN hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chính như: may ba lô, túi xách; may gia công quần áo các loại; sản xuất gia công may mặc, đan len xuất khẩu; sản xuất áo đầm thời trang; sản xuất xơ sợi tổng hợp; may áo dạ hội, áo cưới; may quần áo bảo hộ lao động…
Đặc điểm trong hoạt động của các DN dệt may trên địa bàn tỉnh là giá trị gia tăng của sản phẩm thấp do chủ yếu gia công (hiện có 51% gia công hàng may sẵn), sử dụng nhiều lao động. Trong số gần 13.000 lao động ngành này có hơn 87% lao động phổ thông; chỉ có 7% lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp và 5,5% lao động trình độ cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, đa số DN dệt may trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ nên khả năng cạnh tranh thấp. Đây cũng là nguyên nhân mà dệt may là một trong những lĩnh vực nằm trong diện bị hạn chế thu hút đầu tư theo Chỉ thị 43-CT/TU của Tỉnh ủy về việc thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, nhiều năm trở lại đây, tỉnh không cấp phép cho bất cứ dự án đầu tư lĩnh vực dệt may nào.
Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, kết quả khảo sát tại các DN dệt may trên địa bàn tỉnh do ngành công thương BR-VT thực hiện mới đây cho thấy, đa phần các DN lớn sử dụng nhiều lao động đều nằm trong các KCN, CCN (chiếm 81,25%) với hệ thống cơ sở hạ tầng nơi đặt nhà máy sản xuất tương đối tốt. Các KCN trên địa bàn tỉnh gần hệ thống cảng biển và TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, tạo điều kiện kết nối cung – cầu trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm dệt may. Ngoài ra, với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và có hiệu lực, Hiệp định TPP vừa ký kết chính thức ngày 4-2-2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực từ 31-12-2015… là những thuận lợi tối đa về thương mại cho các DN dệt may. Do đó, định hướng phát triển ngành dệt may trên địa bàn tỉnh thời gian tới là đa dạng và nâng cao đẳng cấp hàng may mặc, phát triển các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Trên cơ sở khảo sát, mới đây ngành công thương tỉnh đã triển khai các đề án hỗ trợ DN ngành dệt may tăng sức cạnh tranh. Cụ thể, tháng 6-2016, Công ty TNHH SX-DV-TM Vân Nam (phường Long Toàn, TP. Bà Rịa) đã được hỗ trợ 157,5 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công để đầu tư máy may lập trình điện tử nhãn hiệu SPS/F-3020-20 mới 100%, xuất xứ Hàn Quốc. Lãnh đạo Công ty cho biết, trước đây, mỗi ngày năng lực sản xuất ba lô, túi xách của đơn vị chỉ đạt 5.000 sản phẩm. Do vậy, có nhiều đơn hàng lớn nhưng Công ty không dám nhận vì không đáp ứng được do máy móc hạn chế. Được hỗ trợ thiết bị hiện đại, DN đã tăng năng suất sản phẩm ba lô, túi xách từ 5.000 sản phẩm lên 15.000 sản phẩm/ngày. Máy được lập trình điện tử giúp tạo ra sản phẩm đẹp, có độ chi tiết chính xác cao mà máy cũ không làm được.
Một số DN may mặc trên địa bàn tỉnh cũng đang đầu tư kinh phí để xây dựng và ưu tiên phát triển việc thiết kế nhằm đầu tư vào chiều sâu, tăng sức cạnh tranh. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) – đơn vị có Công ty may TNHH Tân Mỹ đóng tại CCN Hắc Dịch, huyện Tân Thành cho biết, Garmex Sài Gòn đã xây dựng được đội ngũ thiết kế với hơn 200 nhà tạo mẫu được đào tạo chuyên nghiệp. Công ty đã mua lại một thương hiệu của Mỹ, sau đó làm chủ từ khâu thiết kế, phát triển mẫu và cung ứng mẫu cho đến sản xuất và cung ứng sản phẩm để phân phối trên thị trường Mỹ. Còn theo bà Nguyễn Thị Hải Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May xuất khẩu Vũng Tàu, đơn vị này đang xây dựng chiến lược xuất khẩu trực tiếp sản phẩm, đồng thời mở rộng thị trường trong nước bằng cách đưa hàng vào các siêu thị lớn trong cả nước.
NGÔ GIA
“Các DN cần tập trung đổi mới công nghệ, nâng công suất hiện có, tập trung chuyển phương thức sản xuất từ hình thức gia công đến thiết kế – sản xuất – cung cấp sản phẩm có liên quan, tiến tới xây dựng thương hiệu riêng, đồng thời tận dụng nguyên liệu từ dầu khí để sản xuất các sản phẩm là đầu vào cho ngành dệt may”. (Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương) |
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: