Doanh nghiệp Việt Nam với TPP – Cơ hội và thách thức dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương
Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán vào ngày 05 tháng 10 năm 2015. Hiệp định này với các tiêu chuẩn mới và cao về thương mại và đầu tư ở khu vực châu Á Thái Bình Dương là một bước quan trọng để tiến tới mục tiêu cao nhất về thương mại tự do và hội nhập trên toàn khu vực.
Các Bên tham gia TPP nhất trí xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan cũng như các chính sách mang tính hạn chế khác đối với hàng hóa nông nghiệp. Việc tiếp cận mang tính ưu đãi thông qua Hiệp định TPP sẽ làm gia tăng thương mại giữa các nước TPP với thị trường gồm 800 triệu dân và sẽ hỗ trợ cho việc làm chất lượng cao tại tất cả 12 nước thành viên.
Trong buổi tọa đàm kinh tế tại thành phố biển Vũng Tàu vào sáng ngày 18 tháng 11 năm 2015 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và giải pháp Hiệp định TPP – Cơ hội và Thách thức” do Viện Quản trị tài chính (IFA) phối hợp với BNI Vũng Tàu tổ chức, chuyên gia kinh tế – Tiến sĩ Lê Thẩm Dương đánh giá TPP là hiệp định đa phương, rộng, chiếm tới 40% GDP của cả thế giới, 30% lượng buôn bán thương mại toàn cầu và rộng hơn về mặt nội dung so với hiệp định đa phương trước đây. Nó mở ra cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cho hàng nông sản, da giầy, may mặc và đồ gỗ, cho cơ hội tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cơ hội phát triển cung ứng dịch vụ logistics, giáo dục, cơ hội bổ sung cho cơ cấu kinh tế của Việt Nam, v.v.
Dưới góc nhìn của chuyên gia Lê Thẩm Dương, Doanh nghiệp chỉ được coi là mạnh khi mạnh cả phần định lượng và phần định tính. Phần định tính thể hiện ở các chỉ số tổng tài sản, tổng số lao động và thị phần của doanh nghiệp. Còn phần định tính biểu hiện ở giá trị thương hiệu, chất lượng hệ thống quản trị, chất lượng của người điều hành doanh nghiệp, chất lượng nhân viên, văn hóa của công ty và chất lượng của cổ đông. Ông cho rằng ¾ sức mạnh của doanh nghiệp nằm ở phần định tính, ¼ sức mạnh nằm ở phần định lượng. Đồng thời doanh nghiệp mạnh còn phải có sức kháng cự mạnh trước các thị trường đầu ra, trước các đối thủ trực tiếp, đối thủ tiềm ẩn, trước các sản phẩm thay thế và trước nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào.
Trong bối cảnh hiện nay có khoảng 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và với cường độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong thời gian tới, chuyên gia Lê Thẩm Dương đề xuất nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp quan tâm nâng cao năng lực quản trị, tiếp tục tăng vốn, chuyển dần cạnh tranh bằng giá sang cạnh cạnh bằng phi giá (cạnh tranh bằng chất lượng sản phần, đa dạng hóa chủng loại và mẫu mã sản phẩm) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đ.T.C
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: