EU hỗ trợ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam: Sự lựa chọn hoàn hảo (Bài 1)
“Thiết kế và xây dựng thương hiệu thủ công mỹ nghệ” là một trong sáu tiểu dự án được tuyển chọn theo chương trình “Mời gọi đề xuất dự án” do Phái đoàn Liên minh châu Âu trực tiếp phê duyệt và Hiệp hội xuất khẩu Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) đảm trách.
Bài 1: Giàu tiềm năng
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được bạn bè quốc tế ưa chuộng
Đây có thể nói là sự tuyển chọn hoàn hảo ở cả hai mặt: đối tượng và đối tác. Đối tượng là ngành hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) truyền thống, có đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đối tác là Vietcraft rất đáng tin cậy vì tâm huyết với ngành hàng và có năng lực triển khai.
Sức sống tiềm tàng
TCMN gắn bó với cuộc sống bao đời hay lam, hay làm của người Việt từ lũy tre làng và khi tới chốn thị thành lại càng rạng ngời danh tiếng, tạo sức sống tiềm tàng của ngành hàng này, hội tụ nhiều đường nét mà tên gọi từng mặt hàng đã nói lên điều đó. Mây tre lá là sản phẩm truyền thống và nước ta cũng là một trong những quốc gia có lợi thế về nguyên liệu và tay nghề đan lát. Nếu miền Bắc, miền Trung mạnh về mây, tre, cói thì miền Nam lại thiên về bèo tây, lá buông. Trong khi đó, gốm sứ là mặt hàng có ưu thế về nguyên liệu, tay nặn, nét vẽ lâu đời, có mặt cả ở trong Nam và ngoài Bắc cùng nhiều cơ sở tại các khu công nghiệp với dây chuyền hiện đại. Bên cạnh đó, nghệ thuật đồ gỗ cũng ngày càng tinh xảo với đồ gỗ chạm khảm xuất xứ từ phía Bắc, đồ gỗ giả cổ, khung tranh, hộp mỹ nghệ tân kỳ thịnh hành ở phía Nam. Với nghề kim khí, nghề này ở nước ta đã có nghìn năm tuổi, trong đó, đồ đồng xuất hiện khoảng ba trăm năm, có khai sinh từ miền Bắc, khởi sắc ở phương Nam. Nghề dệt lụa, thêu thùa hiện nay cũng rất phát triển với khoảng vài trăm làng nghề trong cả nước…
Khó liệt kê đủ những nghề TCMN, cũng không tính được bao nhiêu mặt hàng đã len lỏi vào cuộc sống khắp mọi miền và đến với bè bạn năm châu. Cái đo đếm được là hàng triệu thợ chuyên nghiệp, thu nhập gấp 3-4 lần lao động thuần túy nông trang. Đây cũng là mặt hàng có nhiều lợi thế trong sản xuất vì có thể tận dụng thời gian nông nhàn giữa hai mùa vụ, thích nghi với nhiều loại sức lao động như phụ nữ, người tuổi cao hay thậm chí là người khuyết tật, lứa tuổi vị thành niên.
Cuộc sống càng hiện đại, con người lại muốn quay về làm bạn với thiên nhiên, càng tìm đến sản phẩm bằng tay, dung dị. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc áp dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất ngành hàng này đã khắc phục một số lỗi khi làm hoàn toàn thủ công trước đây, tạo ra cuộc chấn hưng ngành hàng này, trong đó mũi nhọn là xuất khẩu (XK) giúp cho nhiều nghề khởi sắc. XK mây tre lá của Việt Nam năm 2012, chiếm 3,73% thị phần thị trường thế giới. Con số đó của gốm sứ là 4,11%, đồ gỗ là 2,16%… được các khách hàng lớn trên thế giới ưa chuộng.
Việc phát triển ngành nghề TCMN mang sắc thái văn hóa, đậm đà bản sắc Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những yếu tố quan trọng của ngành du lịch Việt Nam. 15 làng nghề tiêu biểu được Hà Nội chọn và nối thành các tour, như: Khảm trai Chuôn Ngọ, thêu Thắng Lợi, sơn mài Hạ Thái; mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc, điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng; gốm sứ Bát Tràng, may da, vàng, bạc Kiêu Kỵ…; hay các làng nghề thu hút được nhiều khách du lịch như làng tranh Đông Hồ, gốm Phú Lãng, đúc đồng Đại Bái, sơn mài Đình Bảng, chạm khắc gỗ Phù Khê, mây tre đan Xuân Lai. Theo đà mở cửa, doanh nghiệp (DN) kinh doanh theo từng nhóm hàng TCMN lần lượt ra đời, hầu hết chỉ thuộc diện nhỏ và vừa. Hiện cả nước có trên 1.600 DN thuộc mô hình này.
Một trong những điểm nhấn để phát triển hàng TCMN là phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP). Hà Nội đi đầu trong việc du nhập phong trào này, xoay quanh trục nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã và xây dựng thương hiệu, tạo nét đặc trưng, sự khác biệt của sản phẩm thế hệ mới, khơi dậy sức mới cho sản xuất, XK. Phong trào OVOP trước tiên được đón nhận ở những làng nghề tiêu biểu, DN bề thế, năng lực sản xuất lớn, đồng đều chất lượng, thương hiệu uy tín, thị phần trong nước ổn định, chững trạc trên thương trường quốc tế, nay đã lan tỏa.
Đối tác tâm huyết, tin cậy
Ngành hàng TCMN hòa vào không gian làng xã, có tính cộng đồng cao đã lập nên các hiệp hội theo chuyên ngành, theo địa giới với quy mô, hoạt động đa dạng. Tuy mới ra đời năm 2007, nhưng Vietcraft đã tập hợp, kết tinh được nhiều tố chất của các hội nghề nghiệp, trở thành một trong những hiệp hội đầu đàn của ngành hàng TCMN và sánh vai với nhiều hiệp hội có tên tuổi khác. Hiện nay, hiệp hội đã có hơn 1.000 DN hội viên. Đây là ngôi nhà chung của các DN TCMN để cùng nhau hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, sẻ chia kinh nghiệm, tư vấn tiếp cận thị trường trong nước và XK. Đây cũng là địa chỉ để hội viên tìm đến nhờ tháo gỡ khó khăn, liên kết, hùn hạp vốn đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, bồi dưỡng kỹ thuật nghiệp vụ, tư vấn nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa theo quy chuẩn quốc gia, quốc tế, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, đăng ký bao bì, mẫu mã, kiểu dáng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Những hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) mà Vietcraft làm đầu mối tổ chức đã thu hút đông đảo hội viên, nhất là các sự kiện XTTM quốc gia, bằng việc tham gia các hội chợ tầm cỡ quốc tế ở trong nước, danh tiếng ở nước ngoài; tham quan thị trường, khảo sát, đánh giá dung lượng, tiếp cận bạn hàng, gặp gỡ đồng nghiệp. Trong các dịp đó, dù thời gian không nhiều, không gian giới hạn, nhưng do được hỗ trợ thiết thực, các hội viên đều tận dụng và thu hoạch được nhiều điều, làm nên gương mặt mới của ngành hàng này.
Vietcraft không chỉ chủ động, sáng tạo mà còn quan hệ tốt với các đối tác trong hệ thống XTTM cả nước, trong đó trụ cột là Cục Xúc tiến thương mại, vươn tầm hoạt động, bắt tay với nhiều tổ chức XTTM quốc tế. Đây là cơ sở để khẳng định việc Dự án EU – MUTRAP lựa chọn Vietcraft làm đối tác là “chọn đúng mặt, gửi trọn niềm tin”. |
Bài 2: Hỗ trợ thiết kế và xây dựng thương hiệu thủ công mỹ nghệ
Theo Báo Công Thương
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: