Đột phá về công nghệ
Công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” do kỹ sư Phan Tử Giang và 16 đồng tác giả Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) thực hiện. Chủ tịch Hội đồng quản trị PV Shipyard, kỹ sư Phan Tử Giang – cho biết, kết quả ứng dụng công nghệ của công trình là nổi trội, tiêu biểu và có tính sáng tạo cao. Giàn khoan dầu khí tự nâng là một thiết bị dầu khí đặc biệt, hết sức phức tạp, có khả năng hoạt động độc lập, đảm bảo cho con người sinh sống, làm việc trên giàn khoan như một thành phố thu nhỏ. Đồng thời, giàn khoan phải thường xuyên hoạt động trong môi trường thời tiết khắc nghiệt, trực tiếp đối chọi với sóng, gió. Vì vậy, giàn khoan dầu khí tự nâng đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy phạm, công ước, được các cơ quan đăng kiểm uy tín quốc tế phê duyệt.
Giàn khoan tự nâng 90m nước – Tam Đảo 03 là công trình đầu tiên ở nước ta và là công trình trọng điểm quốc gia về chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng có khối lượng kết cấu và thiết bị hơn 12.000 tấn, có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.100m dưới đáy biển. Trong quá trình nghiên cứu, công trình đã thực hiện thành công 11 đề tài cấp Nhà nước và hơn 675 bộ bản vẽ thiết kế chi tiết.
“Sản phẩm của công trình đã được Cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ (ABS) công nhận. Việc chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước đã đưa Việt Nam vào một trong số ít các quốc gia trên thế giới có đủ năng lực thi công giàn khoan khai thác dầu khí tự nâng” – kỹ sư Phan Tử Giang khẳng định.
Giá trị cao về kinh tế
Cũng theo kỹ sư Phan Tử Giang, công trình đã tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có khả năng thay thế hàng nhập khẩu. Sản phẩm của công trình đã được đưa vào hoạt động trước thời hạn 2 tháng, làm lợi trực tiếp cho đất nước 18,3 triệu USD bao gồm tiết kiệm chi phí cho tổng thầu về nhân công, thuê chuyên gia nước ngoài, vật tư tiêu hao, năng lượng; tiết kiệm chi phí thuê giàn cho chủ đầu tư; giảm chi phí do tăng tỷ lệ nội địa hóa…
Bên cạnh đó, từ thực tế thực hiện dự án đóng mới đã cho thấy, mỗi dự án sẽ tạo điều kiện việc làm cho khoảng 800-1.500 lao động trong thời gian 30 tháng và lúc cao điểm có thể huy động đến 3.000 nhân công, góp phần tạo sự ổn định và phúc lợi xã hội. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện công trình, đơn vị chủ trì đã hình thành và phát triển được đội ngũ cán bộ nghiên cứu, kỹ sư thiết kế, giám sát và quản lý dự án có chuyên môn, kỹ thuật vững vàng đủ khả năng đảm trách được toàn bộ các công đoạn để chế tạo giàn khoan tự nâng thay thế chuyên gia nước ngoài.
Việc chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước và đưa vào vận hành, khai thác tạo nên dòng sản phẩm công nghiệp mới của Việt Nam, giúp PV Shipyard hướng tới chủ động sản xuất các sản phẩm tiếp theo như giàn khoan tự nâng 120m nước có khối lượng kết cấu, thiết bị hơn 18.000 tấn, gấp 1.5 lần giàn khoan 90m nước đã thực hiện, đáp ứng yêu cầu thăm dò, khai thác của ngành dầu khí Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” đã được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ lựa chọn là 1 trong 9 công trình đặc biệt xuất sắc được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh 2016. |
Theo Báo Công Thương.