Các doanh nhân nữ ASEAN trao đổi bên lề diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN |
Nữ doanh nhân Việt hòa nhập vào cộng đồng
AEC vừa ra đời đã tạo ra không gian kinh tế rộng lớn cho các doanh nhân nói chung và doanh nhân nữ nói riêng. Tại Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN (AWEF) 2016 với chủ đề “Tạo thuận lợi cho doanh nhân nữ nhằm thúc đẩy sự phát triển của AEC” vừa diễn ra trong hai ngày 4-5/3, hơn 200 đại biểu đến từ 10 quốc gia đã cùng thảo luận về vai trò của nữ giới trên thương trường.
Hiện nay, trong khu vực đã hình thành Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) – được thành lập từ sáng kiến của Việt Nam. AWEN đã phát huy vai trò là cầu nối cho các nhà lãnh đạo nữ của cả khu vực. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), Chủ tịch AWEN, thời gian qua, AWEN đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực đối với cộng đồng doanh nhân nữ ASEAN. “Để tăng cường hợp tác và kết nối giữa các doanh nhân nữ Việt Nam với các doanh nhân nữ trong và ngoài khu vực ASEAN, hàng chục diễn đàn, hội thảo và các triển lãm đã được AWEN tổ chức. Tất cả đều hướng đến mục tiêu để các nữ doanh nhân có thể đóng góp lớn hơn cho một cộng đồng chung ASEAN và xa hơn nữa là tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu” – bà Minh nhấn mạnh.
Việt Nam hoàn toàn tự hào khi có nhiều doanh nhân nữ tài năng, “chèo lái” các doanh nghiệp vươn ra toàn thế giới. Tiêu biểu như bà Mai Thị Kiều Liên – “nữ tướng” đã đưa Vinamilk từ một công ty sữa nhỏ đã trở thành một trong những công ty sữa lớn nhất ở châu Á. Hay bà Thái Hương – người phụ nữ gắn liền với thương hiệu sữa TH. Bà Thái Hương đã được bình chọn là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á… Những cái tên đó ngày càng tô thắm cho các “bông hồng” trong nền kinh tế khu vực.
Nữ giới cũng phải chủ động!
Hoạt động kinh doanh với nam giới đã khó, với nữ giới càng khó hơn. Bà Minh chia sẻ, vị trí và vai trò của người phụ nữ Á Đông chưa thực sự được bình đẳng so với nam giới cả trong gia đình và ngoài xã hội. “Điều này dẫn đến những khó khăn đối với phụ nữ khi tham gia kinh doanh: từ khâu ra quyết định thành lập doanh nghiệp, đến huy động vốn, điều hành, mở rộng quan hệ đối tác, giao lưu tìm hiểu thị trường và tiếp cận các chương trình trợ giúp” – bà Minh cho biết.
Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nhân nữ ASEAN, trong đó có Việt Nam, cần chủ động hợp tác, liên kết trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng. Mặt khác, các nữ doanh nhân cũng cần chủ động giải quyết các vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như tăng cường năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến; đồng thời tích cực bảo vệ môi trường theo chuẩn mực và yêu cầu quốc tế.
Trên cương vị người đại diện cho tcác doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)Vũ Tiến Lộc cho rằng, AEC hình thành chính là thời cơ để các doanh nhân nữ chuyển mình mạnh mẽ và phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, nữ doanh nhân không thể gánh những trách nhiệm nặng nề một cách đơn độc. Vì vậy, Chính phủ các nước ASEAN cần quan tâm và có những chính sách thiết thực, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích nữ giới khởi nghiệp – ông Lộc đề nghị. “Theo tôi, yếu tố ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển công nghệ thông tin và kinh tế số, tạo cơ hội cho doanh nhân nữ tiếp cận và nắm bắt thông tin, giúp họ chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” – lãnh đạo VCCI khẳng định.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: Sự tinh tế, nhân ái và tinh thần đổi mới, sáng tạo vốn dĩ là những ưu điểm vượt trội của phụ nữ làm kinh doanh. Vì vậy, chị em cần nắm bắt tốt cơ hội này, vươn lên thể hiện mình, trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của cả cộng đồng. |