Ảnh minh họa |
Đó cũng chính là mục tiêu kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, của xã hội. Câu hỏi đặt ra: Thời gian không còn dài, với bộn bề nhiều việc chưa làm được, liệu mục tiêu đó có quá cao?
Chợt nhớ, cách đây không lâu, Báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam xếp thứ 90/189 quốc gia, vượt lên Philippines (xếp thứ 103), lọt vào Top 5 quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 1), Malaysia (18), Thái Lan (49) và Brunei (84).
Tuy nhiên, đó là “trung bình cộng” của nhiều chỉ số, chưa thể hoàn toàn yên tâm, bởi nếu “soi” riêng nhiều chỉ số, con đường vươn tới ngang bằng ASEAN-4 còn nhiều gian khó, cần nhiều sự đồng thuận và nỗ lực không ngừng nghỉ. Hãy cùng “soi” một vài chỉ số quan trọng:
Về chỉ số “Tiếp cận điện năng”, thời gian tiếp cận giảm 56 ngày, nhưng thứ hạng của Việt Nam là 108, cách khá xa so với Malaysia (thứ 13), Philippines (19), Singapore (6), và Thái Lan (11).
Giải quyết phá sản doanh nghiệp của Việt Nam tăng 2 bậc, thứ hạng vẫn thấp (123/189 quốc gia). Thời gian giải quyết phá sản ở Việt Nam là 5 năm, trong khi ở Malaysia là 1 năm, Singapore chỉ có 9,5 tháng.
Thời gian nộp thuế và BHXH ở Việt Nam tuy giảm 102 giờ, còn 770 giờ, nhưng vẫn cao gấp 3 lần Thái Lan, gấp 4 lần Philippines, gấp 9 lần Singapore.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ số khác có chiều hướng đi xuống như: Cấp phép xây dựng kéo dài 166 ngày với 10 bước thủ tục (thời gian cấp phép năm 2015 là 114 ngày), trong đó, riêng cấp giấy phép xây dựng đã “ngốn” 82 ngày (năm 2015 chỉ mất 30 ngày); giao dịch thương mại qua biên giới giảm 1 bậc mỗi năm, năm 2016 xếp thứ 100, ngang bằng Philippines…
Xếp hạng của WB là một trong nhiều thước đo để chúng ta biết phải nỗ lực như thế nào nhằm nâng tầm môi trường kinh doanh nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngang bằng với các nền kinh tế trong khu vực, vươn tới mục tiêu cao hơn: Năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đạt trung bình ASEAN-3 (Singapore, Malaysia và Thái Lan).
Và, không thể nào khác, đó chính là con đường duy nhất để nền kinh tế Việt Nam phát triển sánh ngang tầm khu vực và thế giới.
Theo Báo Công Thương.