Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự buổi lễ |
Đến dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công An – Thượng tướng Tô Lâm, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành và Bộ Công Thương qua các thời kỳ…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương trong những năm kháng chiến chống Pháp, khi Chính phủ chủ trương mở lại các mỏ than ở Hòn Gai, Tân Trào (Tuyên Quang), Làng Cẩm, Phấn Mễ (Thái Nguyên), Quyết Thắng (Ninh Bình); Tiếp tục khai thác mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), gấp rút hồi phục nhà máy in cơ khí Trường Thi, nhà máy giấy Đáp Cầu và cả nhà máy giấy mới ở chiến khu… Cũng ngay trong những năm kháng chiến, đóng góp cùng ngành công nghiệp non trẻ, các cán bộ của ngành thương mại đã lăn lộn cùng đồng bào trong các vùng để phá thế bao vây kinh tế và chia cắt của địch.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ôn lại truyền thống vẻ vang 65 năm |
Từ khi hòa bình lập lại đến nay, ngành Công Thương đã trở thành kinh tế mũi nhọn, làm động lực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế vượt bậc. Trước hết,ngành Công Thương đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Đưa Việt Nam từ nước nông nghiệp chiếm vị trí chủ yếu 65 năm trước, đến nay, Công nghiệp và Thương mại đã chiếm hơn 80% GDP, khoảng 70% thu ngân sách Nhà nước hàng năm, tạo việc làm trực tiếp cho hàng triệu lao động. Thứ hai, doanh nghiệp Công Thương đã phát triển đa dạng, ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong phát triển ngành. Các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu đan xen đã thực hiện liên kết với mức độ khác nhau để Việt Nam ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo thành một mắt xích quan trọng liên kết các doanh nghiệp trong mạng lưới sản xuất và cung ứng toàn cầu. Thứ ba, công tác quản lý toàn ngành đã được cải thiện, công tác xây dựng thể chế ngày càng hoàn thiện, thực hiện tốt việc tham gia hội nhập ngày càng sâu theo định hướng của Đảng. Từ những chập chững ban đầu, nước ta đã tiến hành đàm phán thành công hơn 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), góp phần to lớn vào quá trình hội nhập sâu rộng và hiệu quả.
Đông đảo các thế hệ cán bộ ngành Công Thương tham dự buổi lễ |
Bộ Công Thương vinh dự và tự hào đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh |
Với những đóng góp to lớn trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Công Thương, Bộ Thương mại trước đây đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Các Bộ tiền thân trước đây của Bộ Công Thương và nhiều đơn vị trong Bộ cũng được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương và các phần thưởng cao quý khác. Nhân dịp 65 năm ngày truyền thống, ngành Công Thương vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
“Với niềm vinh dự, tự hào, cùng ý thức trách nhiệm khi đón nhận phần thưởng cao quý này, cán bộ, công nhân viên chức ngành Công Thương nguyện phấn đấu hết sức mình, vượt lên khó khăn thách thức để thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt nhất những quyết sách quan trọng của Đại hội lần thứ XII của Đảng” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
|
Đón tiếp các cán bộ lão thành |
Các đại biểu thăm khu trưng bày những thành tựu 65 năm của ngành |
Mừng rỡ chia sẻ những thắng lợi của ngành Công Thương |
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:“Trong thời kỳ chiến tranh, ngành Công Thương đã làm tốt 2 nhiệm vụ là vừa xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đẩy mạnh chi viện cho miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975. Trong thời kỳ đổi mới, ngành Công Thương tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, chủ chốt trong nền kinh tế, tiếp tục đi đầu trong công tác hội nhập và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành Công Thương hiện đang đóng góp quan trọng nhất và lớn nhất vào tổng GDP và thu ngân sách hàng năm cho đất nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động”.
Để góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện sáu nhiệm vụ cụ thể:
Một là, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020, nhanh chóng cụ thể hóa và thực hiện những nhiệm vụ được phân công trong chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết. Nhấn mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ này trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thực hiện các FTA thế hệ mới và tham gia Hiệp định TPP…
Hai là, triển khai tích cực Nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Thực hiện nghiêm Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN…
Ba là, đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng lực, năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam.
Bốn là, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch. Nhanh chóng thể chế hóa các văn bản pháp luật, cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, để chính sách pháp luật sớm đi vào cuộc sống, giúp DN tận dụng triệt để những hiệu quả mang lại từ chính sách mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong mọi lĩnh vực.
Năm là, cần tập trung sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo nên sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời tăng cường sự liên kết của DN trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm. Từng bước thực hiện giải pháp giảm gia công, lắp ráp, sử dụng nhiều tài nguyên và lao động giản đơn, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với một số ngành trọng điểm. Rà soát, đánh giá và kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đi ngược với việc bảo vệ môi trường…
Sáu là, đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng 2030. Xây dựng chiến lược tổng thể phát triển thị trường giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường trong nước. Bảo vệ sản xuất trong nước và quyền, lợi ích chính đáng người tiêu dùng; quyền và lợi ích chính đáng của DN XK Việt Nam trước những rào cản thương mại và phi thương mại của nước nhập khẩu…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Bộ Công Thương cam kết với Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Ngành Công Thương sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước”. |
Theo Báo Công Thương.